Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 6: 20-26)
Khi ấy, Chúa Giêsu đưa mắt nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười. Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ tên các ngươi như kẻ bất lương. Ngày ấy, các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời. Chính cha ông họ cũng đã đối xử với các tiên tri y như thế. Nhưng khốn cho các ngươi là kẻ giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi. Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát. Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang vui cười, vì các ngươi sẽ ưu sầu khóc lóc. Khốn cho các ngươi khi mọi người đều ca tụng các ngươi, vì chính cha ông họ cũng từng đối xử như vậy với các tiên tri giả”.
Suy niệm
Trong đời sống thường ngày ta thấy con người thường nói : có tiền của là có tất cả. Trong khi đó, Chúa Giêsu lại tuyên bố: Phúc cho những người nghèo khó, phúc cho những kẻ bây giờ phải đói khát, phúc cho những kẻ bây giờ đang phải than khóc, phúc cho những kẻ đang bị oán ghét. Phải chăng Chúa Giêsu không là kẻ lừa bịp đang cười cợt trên những đau khổ của nhân loại? Phải chăng đó không phải là sứ điệp cổ võ sự bần cùng, đói khổ, lạc hậu, đi ngược với tiến bộ và phát triển của nhân loại?
Hôm nay ta được nghe diễn từ Bát Phúc của Nước Trời, trong đó Chúa Giêsu chúc phúc cho chúng ta, những người muốn đi con đường tiến vào Nước Trời, họ sẽ được hạnh phúc đích thực, đó là ơn cứu độ, là chính Thiên Chúa, được Nước Trời làm gia nghiệp không hề mất. Con đường tiến vào Nước trời là con đường Thập Giá, chỉ qua Thập Giá mới tìm được vinh quang và hạnh phúc đích thật, đó cũng chính là kinh nghiệm quý báu Chúa Giêsu truyền lại cho chúng ta. Con đường ấy là con đường hẹp nhưng nó mở rộng ra cho tất cả mọi người.
Qua đó, Chúa Giêsu cũng muốn dạy cho chúng ta biết: hạnh phúc đích thực đang ở trong tầm tay của chúng ta. “Phúccho anh em là những kẻ nghèo khó”, không có nghĩa là ta tìm sự thiếu thốn vật chất, nhưng có một giá trị nội tâm, nó giải thoát chúng ta khỏi mọi ràng buộc với của cải trần thế, và mở rộng lòng mình ra trước sự giàu có tinh thần. Chúa Giêsu đã sinh ra trong cảnh nghèo hèn, và đã chết trần trụi trên Thập Giá để mang lại ơn cứu độ, hạnh phúc đời đời cho chúng ta. “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói khát, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no thoả”, đó là một sự đảo lộn của những hoàn cảnh trong Nước Chúa, được tinh thần hoá mối phúc những ai đói khát sự công chính.
Trong Thánh Kinh, ta thấy cụ già Simêon, Thánh Giuse là những người có cách hành xử luôn luôn phù hợp với ý của Thiên Chúa, đó là lý tưởng hoàn thiện của một người đạo hạnh nhắm đến. Đức công chính này diễn tả sự thánh thiện của một Kitô hữu, vượt qua sự công chính của lề luật: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người biệt phái, thì sẽ chẳng vào được Nước Trời” (Mt 5, 20).
Những ai đạt được sự công chính này, thì tinh thần sẽ được mãn nguyện. “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc lóc, vì anh em sẽ được vui cười”, đây là mối phúc mâu thuẫn nhất trong các mối phúc, nhưng có thể nó mang tính Messia nhất: Trải qua tất cả những gian nan thử thách, dân Israel luôn trông chờ được Thiên Chúa ủi an, họ trông chờ một Đấng Messia phải đến, đó là niềm an ủi của Israel, cụ già Simêon cũng trông chờ niềm an ủi ấy của Israel.
Thật vậy, Chúa Giêsu là Đấng an ủi những người nghèo khó, đau khổ, bệnh tật. Chính Ngài đã hứa: “ Tất cả những ai vất vả, mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng (Mt 11,28). Chúa Giêsu giúp chúng ta vượt qua đau khổ và biến nó thành nguồn mạch của niềm vui trong Nước Trời: “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ, sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21, 3). “ Phúc thay cho anh em khi vì con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị khai trừ như đồ xấu xa…”.
Như thế, mối phúc thứ nhất và thứ tám loan báo cho chúng ta Nước Trời đã hiện diện rồi “ Vì Nước Trời là của họ”. Sáu mối phúc kia chỉ còn là lời hứa: “Vì họ sẽ được…”, đó là tính chất cánh chung của Nước Trời: “ Phần thưởng lớn lao dành cho họ là ở trên Trời” (Mt 5, 12) mà chỉ có Chúa Giêsu mới có thể mang đến, đưa họ vào trong thực tại của Chúa Cha ở trên Trời, đó là hạnh phúc của người con chí ái của Thiên Chúa. “Nhưng khốn cho các ngươi” là những kẻ giàu có, no nê, vui cười, và được mọi người ca tụng, là những con người nổi tiếng, nhưng Thiên Chúa đang thương tiếc cho họ với cách nói: “khốn cho các ngươi…” .
Điều này Chúa Giêsu có ý cảnh giác chúng ta: giàu có nhưng tham lam, ích kỷ là cái giàu vô phúc, no nê để nuông chiều xác thịt, mù quáng trước tiếng gọi thiêng liêng thì đó là sự no nê bất hạnh, vui cười mà xao lãng việc đạo đức, những bổn phận của đời sống siêu nhiên, chuẩn bị cho đời sống vĩnh hằng, thì đó là vui cười bất hạnh, được mọi người ca tụng cũng không chắc là được hạnh phúc, vì lòng con người thay đổi, nay hoan hô mai đả đảo cách dễ dàng, hơn nữa, cứ mải miết cho người ta ca tụng là làm nô lệ cho danh vọng, và sẽ sao lãng việc làm vinh danh Thiên Chúa, là bổn phận làm người và làm con Chúa. Khi chê trách sự giàu có, vui cười v.v. Chúa Giêsu có ý chê trách thái độ sống của họ theo kiểu thế gian, làm cản trở việc đi vào Nước Trời.
Khi chúng ta lâm cảnh nghèo đói và gặp đau khổ trong cuộc sống trần gian, chúng ta hãy tin tưởng vào Lời Chúa hứa với hy vọng để được hạnh phúc, vì Nước Trời là của anh em, anh em được no thoả, anh em sẽ được vui mừng, phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.
Nếu chúng ta được Chúa ban giàu có, thì chúng ta phải biết dùng vật chất để phát triển xã hội, giúp đỡ người nghèo đói, nâng cao đời sống văn minh, phục vụ tha nhân trong tinh thần bác ái, từ thiện, thì đó là cái giàu hạnh phúc, vì biết dùng của cải vật chất để được công phúc trên trời. Chúng ta đừng bao giờ dừng lại trong sự thoả mãn hạnh phúc trần gian, nhưng phải tìm sự thoả mãn với những thực tại thiêng liêng để vươn mình lên, để định hướng cho sự sống đời đời của mình. Chúng ta đừng ỷ lại với cái vui thú trần thế mà tự mãn cho bản thân, không màng chi đến niềm vui hạnh phúc đời đời. Chúng ta hãy lo làm vinh danh Thiên Chúa, nếu mình được vinh danh thì hãy vinh danh trong Chúa, vì được diễm phúc hiệp thông với Chúa, vinh danh vì Chúa nghĩa là mọi sự đều bởi Chúa ban cho, vinh danh với Chúa vì mọi việc chúng ta làm để tôn vinh danh Chúa. Chúa Giêsu luôn nhắn nhủ chúng ta phải tìm đến hạnh phúc đích thực là thứ hạnh phúc có Chúa ở cùng trong cuộc sống đời này và đời sau.
Chúa Giêsu quả thực đã sống như một người nghèo giữa những người nghèo; đã tuyên bố: Phúc cho những kẻ nghèo đói, phúc cho những kẻ đang khóc lóc, phúc cho những kẻ bị bách hại, Chúa Giêsu hẳn phải là người hạnh phúc nhất, vì Ngài đã đi đến tận cùng sự nghèo đói, bách hại ấy. Chúa Giêsu đã không làm phép lạ cho trái đất luôn chảy sữa và mật, Ngài đã không đem lại một giải pháp chính trị, kinh tế, xã hội cụ thể nào; thế nhưng, cuộc sống, lời nói và cái chết của Ngài lại là chìa khóa giúp giải quyết các vấn đề của con người. Quả vậy, vấn đề cơ bản của con người là gì, nếu không phải là được sống hạnh phúc; tuy nhiên, sai lầm lớn nhất của mọi thời chính là nghĩ rằng càng có nhiều tiền của, quyền bính, danh vọng thì càng được hạnh phúc.
Khi tuyên bố: “Phúc cho những kẻ nghèo khó”, Chúa Giêsu không hề có ý muốn biến thế giới thành một thế giới nghèo đói, bần cùng. Của cải vật chất là phương tiện cần thiết để cho con người được sống xứng phẩm giá con người; Thiên Chúa đã tạo dựng con người để nó thống trị và hưởng dụng mọi sự trong vũ trụ. Khi tuyên bố: “Phúc cho những kẻ nghèo khó”, Chúa Giêsu nhắc nhở cho con người bậc thang giá trị đích thực trong cuộc sống. Của cải vật chất là phương tiện, chứ không phải là cứu cánh của cuộc sống. Người nghèo khó như Chúa Giêsu đã từng sống là người sống theo bậc thang giá trị ấy. Người sống nghèo khó như Chúa Giêsu là người biết sống cho những giá trị vĩnh cửu, là yêu thương, quảng đại, liên đới, tình người.
Huệ Minh