Thứ Ba Tuần XVI Thường Niên C

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 12: 46-50)

46 Khi Đức Giêsu còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người.47 Có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy”.48 Người bảo kẻ ấy rằng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?”49 Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi.50 Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi”.

SUY NIỆM

          Với trang Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe, có thể nhiều người hiểu lầm về cách cư xử có vẻ không bình thường của Chúa Giêsu khi biết có mẹ và anh em đến tìm: “Ai là mẹ tôi, ai là anh em tôi?”. Thực ra, Lời của Chúa Giêsu không phải là lời của một người chối bỏ mối liên hệ gia đình máu mủ của mình, nhưng Ngài muốn đề cao mối liên hệ siêu nhiên, đó là gia đình Thiên Chúa, gia đình của những kẻ tin và sống theo thánh ý Thiên Chúa. Chúa Giêsu không bao giờ phủ nhận giá trị của gia đình ruột thịt. Thật vậy, khi sống trong mái ấm Nazareth xưa, Chúa Giêsu đã hết lòng yêu thương, tôn kính và vâng phục Mẹ Maria và thánh cả Giuse (Lc 1, 40.52).

          Cũng vậy, bằng lời giảng và gương sống, Chúa Giêsu cũng đã dạy mọi người sống thảo hiếu với cha mẹ (Mt 19, 19; Mc 10, 19). Khi đề cao mối liên hệ thiêng liêng của những người sống vâng phục thánh ý Thiên Chúa, một cách gián tiếp, Chúa Giêsu muốn cho mọi người biết rằng Đức Maria không những là mẹ ruột của Ngài mà còn là mẹ về phần thiêng liêng nữa vì có ai sống vâng phục ý Chúa cho bằng Mẹ Ngài. Cả cuộc đời mẹ là một lời xin vâng theo ý Thiên Chúa. Vâng theo thánh ý Thiên Chúa là lời Chúa Giêsu mời gọi mọi người đi vào mối liên hệ với Ngài và thuộc về gia đình Thiên Chúa. Điều này quan trọng đến nỗi ai làm như vậy thì chính Người sẽ nhận là mẹ và anh em mình.

          Con người sống cần có một mái nhà, một gia đình. Tuy nhiên, khái niệm gia đình không chỉ giới hạn trong mối quan hệ huyết thống. Chúa Giêsu đã mở rộng mối tương quan đó trong một gia đình đích thực dù Người không phủ nhận mối tương quan với mẹ và anh em của Người. Chúa cho thấy gia đình của Người là những ai “thi hành ý muốn của Chúa Cha” (Mt 12, 50). Gia đình đó có chung một Cha trên trời (Mt 23, 9) và tất cả là anh em với nhau.

          Chúa Giêsu vì sứ mạng loan báo Tin Mừng, đã buộc mình phải rời xa tương quan ruột thịt tự nhiên và hạn hẹp, để gắn bó thiết thân hơn với sứ vụ, và gắn chặt mối tương quan nhân loại bao quát hơn. Có lẽ trong nhận thức của không ít người, khi dấn thân phục vụ cho đồng loại, dường như họ nghĩ là sẽ bị mất mác thua thiệt điều gì đó, nhưng Chúa Giêsu muốn cho mọi người, và nhất là những người môn đệ của Người thấy rằng: họ không mất mà được gấp trăm là “mẹ là anh em” của Chúa.

          Ta xem Chúa Giêsu có phản ứng thế nào trước lời mời gọi của gia đinh, sau bao ngày xa gia đình để dong duổi trên bước đường loan báo Tin Mừng. Ngài trả lời thẳng thắn với kẻ vừa thưa Ngài rằng : “Ai là mẹ tôi ? Ai là anh em tôi ? (c.48). Nghe câu hỏi này, chúng ta chợt sửng sờ. Phải chăng Ngài mất trí, không nhớ ra ai là mẹ, là anh em mình ? Nhưng ở đây Người không mất trí, Người vừa giảng xong một bài giảng đầy khôn ngoan và có logic mà. Lúc đó không biết Đức Mẹ và các anh em họ hàng bà con kia, nghe thấy lời này thì nghĩ gì ? Phản ứng ra sao ? Nhưng có lẽ chúng ta cũng thấy nhói tim, đau lòng… nếu một người chúng ta thương yêu phủ nhận như không quen biết chúng ta. Và kìa cánh tay Ngài giơ ra, hướng về các môn đệ và nói : Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi.  Chắc hẳn các môn đệ hạnh phúc lắm khi nghe những lời này. Thật bõ công theo Thầy bấy lâu, nay được xếp vào những người thân thuộc của Ngài.

          Chúa Giêsu nói tiếp : “Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, Người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” (c.50). Thế đã rõ câu trả lời của Chúa Giêsu khi xác nhận ai là họ hàng với Ngài : đó là những người thi hành ý Chúa Cha, là những người nghe Lời Chúa và đem ra thực hiện. Chắc hẳn lúc đó Mẹ Maria vui lắm, vì Mẹ biết không những Mẹ là Mẹ của Chúa Giêsu trong máu huyết nhưng còn được Chúa ưu ái đón nhận là Mẹ của Ngài, khi Mẹ “ghi nhớ lời Chúa và suy niệm trong lòng” (Lc 2, 19). Khi Mẹ ghi nhớ và suy niệm thì chắc hẳn Mẹ đã sống tận căn Lời Chúa, đến nỗi Mẹ đã đứng hiên ngang dưới cây thập giá, đồng công cứu chuộc với con của Mẹ.

          Khi Mẹ Maria liều lĩnh chấp nhận vâng nghe Lời Sứ Thần truyền, và chấp nhận gắn bó với Chúa Giê-su, Mẹ đã từng bước nhận ra Mẹ không chỉ là Mẹ duy nhất của Chúa Giê-su theo huyết nhục, mà Mẹ còn có mối tương quan thân thiết gắn bó đặc biệt với nhóm 12, mà còn quan trọng hơn với gia đình nhân loại. Khi biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa, mỗi người chắc chắn sẽ tăng thêm nhận thức về bản thân là những phần tử trong mối dây liên kết và tương quan trong đức tin, đức cậy và đức mến đối với đồng loại và đối với Thiên Chúa. Không ai trong thế giới này từ cổ chí kim có liên hệ huyết nhục nhân loại với Đức Giêsu; nhưng đã có rất nhiều người và chắc chắn sẽ còn có nhiều người sẽ gắn bó còn hơn ruột thịt và dám sống chết với Người, vì họ biết lắng nghe và thi hành ý muốn của Cha trên trời (Mt 12, 50).

          Lời Chúa không phải là chữ viết của lề luật hay mệnh lệnh, nhưng là Ánh Sáng và là Sự Sống, có sức mạnh tái sinh chúng ta, làm cho chúng ta trở nên người thân của Chúa, như Mẹ Maria ; Lời Chúa cũng cuốn hút chúng ta nữa từ trong chốn sâu thẳm của chúng ta, bởi vì Lời Chúa đã tạo dựng nên chúng ta, vẫn đang tạo dựng chúng ta và sẽ tái tạo dựng chúng ta để chúng ta trở thành tạo vật mới trong Gia Đình mới của Thiên Chúa. Lời Chúa, Mình và Máu của Chúa, những ơn huệ và nhất là ơn tha thứ của Chúa, tái sinh chúng ta, tái tạo con tim chúng ta và làm cho chúng ta trở thành con người mới trong Gia Đình mới của Chúa. Những ơn huệ này Chúa vẫn ban cho chúng ta cách quảng đại nơi Thánh Lễ, để tái sinh chúng ta mỗi ngày cho Chúa và cho những người thân yêu của Chúa, trong đó Đức Maria, Mẹ của chúng ta.

          Khi ta hiểu được bề rộng của gia đình, lương tâm chúng ta dường như bị tra vấn trước những liên hệ trong cuộc sống hiện tại. Nhìn trên phố xá ngày ngày, mẹ của ai đang quang gánh lao nhọc ? Còn đó dưới đèn khuya mờ tắt, em ai đang tất tưởi mong sao đủ miếng ăn qua ngày ? Có lẽ ta đã hững hờ bước qua ? Còn nhiều hơn những anh em ta đang bôn ba, đang đau khổ cho cuộc sống mưu sinh, có bao giờ ta dừng lại để dành một cử chỉ yêu thương ?

          Bên cạnh đó, trái đất này cũng là người anh em mà chúng ta hay quên lãng. Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong thông điệp Laudato Si có nhắc đến: “Ngôi nhà chung của chúng ta là người chị mà chúng ta đang chung phần sự sống, là người mẹ tuyệt vời luôn mở rộng vòng tay ôm ấp chúng ta” (Laudato Si 1). Tất cả những người anh em trên đây cần được chúng ta bày tỏ tương quan chân thật tùy theo từng đối tượng. Mọi anh em cần được ta tôn trọng và đón nhận như chính khúc ruột của mình.

          Ước gì, sự sống mỗi ngày của chúng ta được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa, khởi đi từ con tim biết lắng nghe Lời của Ngài, trong cầu nguyện. Và như thế, như Đức Mẹ, chúng ta sẽ trở thành « người thân » đích thực của Chúa Giêsu; nghĩa là cũng như Mẹ, chúng ta đón nhận, “cưu mang” và trở nên một với chính Chúa Giêsu.

Huệ Minh