30 Khi ấy, đám đông thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây?31 Tổ tiên chúng tôi đã ăn man-na trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh bởi trời”.32 Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực,33 vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian”.34 Họ liền nói: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy”.35 Đức Giê-su bảo họ: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!”
Suy niệm
Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta nghe Chúa Giêsu nói: “Chúa chính là bánh trường sinh. Và bất cứ ai đến với Chúa thì sẽ không phải đói, và ai tin vào Chúa thì sẽ không phải khát bao giờ”. Đó là điều xác quyết của Chúa Giêsu trước yêu cầu của dân chúng. Họ đòi Chúa cho một dấu lạ nào đó, vì đối với dân Galilê thì họ cho rằng thứ bánh mà Chúa Giêsu cho họ ăn chỉ là bánh thường, không phải là bánh từ trời xuống. Chỉ có Manna thời Môsê đã cho họ ăn mới là bánh bởi trời. Và nhân dịp này, Chúa Giêsu đã nói cho họ biết chính Chúa là bánh trường sinh.
Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh của Manna để nhắc nhớ tới của ăn thiêng liêng mà Chúa sẽ ban cho con người, đó chính là Mình và Máu của Chúa trong bí tích Thánh thể.
Nhớ lại thời gian 40 năm người dân Do Thái sống lưu lạc trong sa mạc, thì cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn và nguy hiểm, họ phải chịu cảnh thiếu thốn về nước nôi và cơm bánh, v.v. Nhưng vì sao họ lại phải chịu như thế? Bởi vì Chúa muốn thử thách đức tin của họ, dẫu là vậy nhưng Chúa vẫn luôn lo cho họ được sống (Xac 16,4.28). Chúa thường ban cho họ một thứ bánh mà họ gọi là Manna để biểu lộ sự hiện diện và sự quan phòng của Chúa. Sự việc này xảy ra như vầy: vào mỗi buổi sáng, Chúa ban cho một lớp sương mù bao phủ nơi người Do Thái đóng trại và lúc sương tan đi để lại những hạt nho nhỏ như hạt sương và có mùi vị mật ong. Dân chúng ra lượm thứ đó để ăn, mặc dù lượm để ăn nhưng họ không biết là thứ gì nên mới hỏi nhau bằng chữ “Manna” nghĩa là “cái gì vậy”. Và rồi từ đó trở đi, loại thức ăn này có cái tên là manna.
Chúa Giêsu đã dùng chính sự kiện Manna để nhắc nhở rằng: Manna chưa phải là bánh thật từ trời xuống. Có chăng chỉ là thứ bóng mờ chứa một sự thật là bí tích Thánh Thể sau này. Thật ra, Manna chỉ có trong thời gian ở sa mạc. Và bao nhiêu người được ăn Manna rồi cũng chết. Nhưng chỉ có Thánh Thể Chúa mới là bánh bởi trời ban cho con người để nhờ đó mà con người có được sự sống đời đời.
Chúa Giêsu đã gọi Thánh Thể là bánh bởi trời. Và Chúa luôn mời gọi con người hãy đến dự tiệc thánh và đón nhận Mình Máu của Chúa, bởi vì những ai đến với Chúa và ai tin vào Chúa thì không hề phải đói khát bao giờ.
Rất ước mong mỗi chúng ta luôn vững niềm tin vào bí tích Thánh Thể Chúa. Vì chính nơi đây, chúng ta sẽ đón nhận được bánh hằng sống chính là Mình và Máu thánh của Chúa. Và chính bánh hằng sống sẽ bảo đảm cho chúng ta có được sự sống thiêng liêng muôn đời.
Xin cho mỗi người chúng ta luôn biết loại trừ ra khỏi con người của mình những gì là độc hại cho linh hồn, đó là những tư tưởng những ước muốn xấu xa, thấp hèn, những hận thù, ghen ghét, tham lam, lừa dối lẫn nhau. Để khi loại trừ được những thứ đó ra rồi, thì tâm hồn chúng ta mới xứng đáng để Chúa đến và ngự trị.
Xin Chúa luôn nâng đỡ cho từng cố gắng của từng người và luôn cùng chúng con bước đi trong cuộc sống hằng ngày. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
Mở đầu trang Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe đó là lời xác định “Chính tôi là Bánh trường sinh”. Một lời quả quyết chắc chắn cũng chính là lời tự nguyện mang sự an vui đến cho con người : “Ai đến với Tôi, không hề phải đói, ai tin vào Tôi, chẳng khát bao giờ” (c. 35).
Ta thấy nhu cầu thiết yếu để tồn tại của sinh vật trên trái đất chính là ăn uống. Từ thời hoang sơ khi con người chưa biết đến sách vở, chưa biết đến ti vi, hon đa, xe hơi, vi tính… thì con người đã biết làm sao để sinh tồn, đấu tranh để sinh tồn – đó chính là tìm kiếm lương thực để ăn. Do đó cơm bánh là nhu cầu thể lý thiết yếu để con người có thể sống. Con người có thể thiếu sách vở, thiếu ti vi, thiếu hon đa; con người có thể không xem phim, không có những phương tiện giải trí đủ loại; nhưng con người không thể không có cơm bánh.
Và rồi Đức Giê-su đã ví Người là ‘Bánh’ – Bánh trường sinh – Bánh ban sự sống đời đời – cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của Ngài trong cuộc sống chúng ta. Cũng như sự sống thể lý con người cần cơm bánh, thì trong lãnh vực đời sống tâm linh chỉ Đức Giê-su mới thỏa mãn được cơn đói khát của con người; và chính đời sống tâm linh là yếu tố chi phối toàn bộ đời sống con người – nếu đời sống tâm linh sung mãn thì cuộc sống con người mới thực sung mãn.
Một lời hứa đem lại sự sống qua việc giải quyết những vấn nạn tự nhiên của con người như đói, khát. Đó cũng là nhu cầu sinh tồn của mọi sinh vật…. Chúa Giêsu biết dù Ngài có nói thật về con người và sứ mạng của Ngài, thì người Do thái vẫn cứng lòng “các ông đã thấy tôi mà không tin” (c.36). Người Do thái đã thấy, biết và chứng kiến bao điều kỳ diệu Ngài thực hiện vì tình yêu, nhưng họ vẫn bưng tai, bịt mắt để khỏi nghe, khỏi nhìn. Họ vẫn thờ ơ, thậm chí chai lỳ chống lại lời mời gọi tình yêu của Thiên Chúa.
“Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói ; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” Trải qua hơn hai ngàn năm, Đức Giê-su đã là lương thực nuôi dưỡng nhân loại qua Lời hằng sống của Người. Lời của người ảnh hưởng trực tiếp trên những kẻ tin yêu và lắng nghe, đồng thời dán tiếp ảnh hưởng đến tất cả mọi môi trường có chứng nhân của Lời hiện diện. Lời của người là Lời tình yêu Thiên Chúa gửi đến cho nhân loại; là Lời có khả năng thỏa mãn cơn đói khát tình yêu của con người; một cơn đói khát quyết định sự sống còn của nhân loại. Chối bỏ Lời, con người ngày nay đắm chìm trong một nền văn hóa chết chóc, có xu hướng đề cao chủ nghĩa cá nhân, hưởng thụ ích kỷ, chạy theo vật chất, bành trướng cái tôi… là một lối sống làm sói mòn tâm linh và ý nghĩa thiêng liêng cao cả của cuộc sống con người. Chỉ khi nghe và thực hành Lời người – như ‘ăn’ và ‘tiêu hóa’ – thì cuộc sống thế giới mới trở nên phong phú, cuộc đời con người mới có hạnh phúc thật.
“Chính tôi là bánh trường sinh.” Yêu ai thì khát khao muốn nên một với người mình yêu. Tình yêu làm phát sinh sáng kiến – Đức Giê-su vì quá yêu thương con người nên đã tự nguyện trở nên bánh để ở với con người, nên máu thịt của con người, dưỡng nuôi tâm linh và ban cho họ sự sống bất diệt: “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì có sự sống đời đời và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết. Vì thịt tôi thật là của ăn và máu tôi thật là của uống” (Ga 6, 54 – 55). Bởi chính thế mà Đức Giê-su đã thiết lập bí tích Thánh Thể để ở lại với con người, dưỡng nuôi và đồng hành với con người trên đường tiến về quê hương đích thật trên trời.
Chúa Giêsu vẫn không nản lòng, lùi bước trước sự cứng lòng của họ. Ngài mở ra cho họ thấy lòng quảng đại từ tâm của Thiên Chúa, đối với những ai sẵn sàng cộng tác và tiếp nhận Ngài “Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi, đều sẽ đến với tôi”. Những người này được Thiên Chúa dẫn dắt hay đúng hơn họ để cho Thiên Chúa thực hiện công việc của Ngài trên cuộc đời họ. Và Chúa Giêsu khẳng định về cuộc sống của họ sau này “Ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài” (c.37). Họ sẽ được sống mãi với Ngài trong vinh quang. Đó là phần thưởng dành cho những người được Thiên Chúa yêu thương. Phần thưởng đó là do thánh ý Chúa Cha và Chúa Giêsu là người được sai xuống trần gian để thực hiện thánh ý này “vì tôi từ trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi” (c.38).
Ta thấy Chúa Giêsu không dừng lại mà Ngài chỉ rõ ý của Chúa Cha, đó là “Những kẻ mà Chúa Cha ban cho Chúa Giêsu, Người hứa sẽ giữ gìn và bảo tồn cuộc sống đời đời cho họ và nhất là họ sẽ được sống lại trong ngày sau hết, ngày thẩm phán chung cuộc của thế giới này, ngày mà Chúa Giêsu sẽ xuất hiện lần thứ hai trong vinh quang rạng rỡ.
Ở câu 40, Chúa Giêsu nhấn mạnh hành vi cho những ai muốn có sự sống đời đời, muốn được hưởng ơn cứu độ đó là “thấy Người Con và tin vào Ngài”. Một hành vi nghe chừng đơn giản và dễ dàng nhưng không dễ thực hiện trước những thử thách của cuộc đời; trước những cám dỗ của ma quỷ, thế gian; trước những tự do phóng túng của con người trong thời đại ngày nay.
Mãi đến ngày hôm nay Đức Giê-su vẫn tiếp tục hiến mình cho nhân loại qua thánh lễ mà Giáo hội cử hành mỗi ngày khắp nơi trên thế giới. Cảm nhận hồng ân cao cả Thiên Chúa tặng ban cho nhân loại, Giáo hội trung thành, hân hoan thiết đãi và mời gọi con cái mình đến dự bàn tiệc Lời Hằng sống và Thánh Thể Chúa Giêsu qua thánh lễ hằng ngày. Vì thế Ki-tô hữu chúng ta cần ý thức và siêng năng tham dự thánh lễ với lòng vui mừng và biết ơn Chúa, biết ơn Giáo hội. Chúng ta cần tham dự hy lễ tạ ơn này cách sinh động với lòng thành, không câu nệ, không máy móc. Đừng làm người khờ dại chỉ đi dự tiệc cho có mặt mà không ăn tiệc (không chú tâm nghe Lời Chúa, không lãnh nhận Thánh Thể Chúa), chúng ta cần biết lắng nghe Lời hằng sống của Đức Ki-tô và đón rước mình Thánh của người làm của ăn nuôi dưỡng tâm hồn; để đời sống của Đức Giê-su, tinh thần của Người thấm nhập vào trong con người và cuộc đời của mỗi người chúng ta, hầu chúng ta trở nên cánh tay nối dài của Người trong công cuộc dựng xây vương quốc nước trời nơi trần gian và được sống hạnh phúc muôn đời bên Chúa.
Ngày hôm nay con người vẫn đứng trước thách đố của niềm tin : tin vào sự hiện diện của Chúa, tin vào tình yêu của Chúa dường như trở nên không thực tế với người thời đại. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta tuy rằng chúng ta là những người đã tin theo Chúa một quãng đường dài (20, 30, 40, ….80, 90 năm …), thế mà niềm tin của chúng ta còn bị chao đảo, vùi giập giữa bao sóng gió, bão tố của cuộc đời. Xin nâng đỡ chúng ta. Xin ban thêm niềm tin cho chúng ta để khi Con Người đến, Ngài còn thấy niềm tin trên mặt đất này. (x.Lc 18,8). Amen.
Huệ Minh