Chúa Nhật III Thường Niên Năm C

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (1:1-4; 4:14-21)

Thưa ngài Thê-ô-phi-lô đáng kính, có nhiều người đã ra công soạn bản tường thuật những sự việc đã được thực hiện giữa chúng ta.2 Họ viết theo những điều mà các người đã được chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vụ lời Chúa truyền lại cho chúng ta.3 Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng ngài,4 mong ngài sẽ nhận thức được rằng giáo huấn ngài đã học hỏi thật là vững chắc.

14 Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời.15 Vì em bé sẽ nên cao cả trước mặt Chúa. Rượu lạt rượu nồng em sẽ đều không uống. Và ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy Thánh Thần.16 Em sẽ đưa nhiều con cái Ít-ra-en về với Đức Chúa là Thiên Chúa của họ.17 Được đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Ê-li-a, em sẽ đi trước mặt Chúa, để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa”.18 Ông Da-ca-ri-a thưa với sứ thần: “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy? Vì tôi đã già, và nhà tôi cũng đã lớn tuổi”.19 Sứ thần đáp: “Tôi là Gáp-ri-en, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, tôi được sai đến nói với ông và loan báo Tin Mừng ấy cho ông.20 Và này đây ông sẽ bị câm, không nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra, bởi vì ông đã không tin lời tôi, là những lời sẽ được ứng nghiệm đúng thời đúng buổi”.21Dân chúng đợi ông Da-ca-ri-a, và lấy làm lạ sao ông ở lại trong cung thánh lâu như thế.

Suy niệm  Tin Mừng Lc 1:1-4; 4:14-21
Bản văn này thâu tập hai đoạn trích Tin mừng theo Thánh Luca, không có sự nối kết rõ ràng giữa chúng. Đoạn trước là Lời tựa, phần khởi đầu của Tin mừng; đoạn sau trình thuật về vai trò của Đức Giêsu trong Hội đường vào một ngày Sabbat.

Ngay từ đầu, để gây lòng tin ở độc giả của mình, Thánh Luca đã xác định nghiêm túc về tác phẩm của mình : Trước khi viết, Ngài đã tự mình tiến hành tìm hiểu tỉ mỉ, cẩn thận mọi sự.

Sau đó, trình thuật câu chuyện sảy ra tại Hội đường ở Nagiarét. Đức Giêsu khéo léo dùng lời Kinh Thánh để mạc khải về Thiên tính của mình : Ngài là Đấng Messia mà các Tiên Tri loan báo.

“Ngày hôm nay…” Từ ngữ này của Tin mừng cho chúng ta hiểu rằng chúng ta đang sống thời hiện tại. Bây giờ, tại đây, Đức Kitô đối với chúng ta, Ngài là Đấng Giải Phóng, Đấng Thánh, Đấng mang sứ điệp cứu độ. Đây quả là niềm vui lớn lao của chúng ta.

II. Gợi Ý Suy Niệm

1. Đức Giêsu Kitô, Lời của Thiên Chúa : Tin mừng hôm nay trình thuật việc Chúa Giêsu vào hội đường Nagiarét để đọc và giải thích Kinh Thánh cho dân chúng. Sự kiện này diễn ra khi Người danh tiếng của Người đã vang xa. Người nổi danh về các phép lạ và đặc biệt là về các lời giảng dạy, về giáo huấn của Người. Kinh Thánh là những văn tự nằm chết trong sách nhưng một khi được công bố từ môi miệng của Đức Giêsu lại có được sức sống, trở thành lời mang ân sủng cho những người nghe. Cùng với Đức Giêsu và trong Đức Giêsu tất cả những lời Kinh Thánh loan báo đều ứng nghiệm. Thánh Gioan Tông đồ xác tín Đức Giêsu là Ngôi Lời của Thiên Chúa. Ngày nay, Đức Giêsu vẫn đang hiện diện nơi lời Tin mừng được công bố trong Hội Thánh, trong phụng vụ của Hội Thánh, nghe lời Tin mừng là nghe chính Đức Giêsu. Sống Tin mừng là sống với và sống trong chính Đức Giêsu. Nghe Đức Giêsu là nghe chính Thiên Chúa Cha. Mỗi người Kitô hữu chúng ta qua Lời Chúa hôm nay, chúng ta có xác tín niềm tin của mình vào Lời Chúa; có chân nhận Lời Chúa là sức mạnh là hồng ân cho cuộc đời?

2. Đức Giêsu Kitô, Lời Giải Phóng _ Lời Cứu Độ : “Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”. Chắc chắn không phải ngẫu nhiên tình cờ mà Đức Giêsu mở ra đúng ngay đoạn sách Isaia 61 này, nhưng điều quan trọng ở đây khi Người khẳng định sự ứng nghiệm của đoạn Kinh Thánh này, Người muốn áp dụng cho mình những gì Tiên Tri Isaia đã loan báo. Khi chiu phép rửa tại sông Gioađan Người đã nhận lãnh Thánh Thần như một sự xức dầu trở nên Đấng Thiên Sai của Thiên Chúa. Tất cả những gì Người đã nói và làm trong suốt cuộc đời dương thế chứng tỏ rằng lời Kinh Thánh đã ưng nghiệm : Người đến để giải phóng kẻ tù đầy khỏi sự giam hãm của tội lỗi, ma quỉ và sự chết; cứu chữa bệnh nhân làm cho người mù được sáng, người què được đi và người câm được nói … Tắt một lời, Người đã đến để ban ơn cứu độ cho nhân loại. Với con người và thế giới hôm nay, sứ điệp Tin mừng của Đức Giêsu vẫn còn nguyên gía trị, Người vẫn cần thiết đối với tất cả qua mọi thời đại. Kitô hữu là Người thuộc về Đức Giêsu, mang sứ điệp Tin mừng của Người phải có trách nhiệm làm cho ơn Cứu độ của Người thực sự được trao ban cho thế giới mình. Nhưng trước hết làm sao phải nhận được Đức Giêsu là Đấng giải phóng mình, cứu độ mình trước đã.

3. Đức Giêsu Kitô, Lời của Thiên Chúa cho con người hôm nay : Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai các ngươi vừa nghe. Từ ngữ ‘hôm nay’ theo ý nghĩa Tin mừng cho chúng ta hiểu rằng đây không phải là sứ điệp của hôm qua mà là của hôm nay. Mãi mãi Tin mừng luôn mang tính hiện tại, ‘Trời đất có qua đi, nhưng lời Ta không bao giờ qua đi.’Vì thế, sứ điệp Tin mừng vẫn là Lời Chúa nói, vẫn là sự hiện diện sống động của Đức Giêsu Kitô giữa lòng trần thế hôm nay. Cho dù cách thế hiện diện của Đức Giêsu có khác nhưng tình yêu, sức sống, ơn cứu độ của Người vẫn là thế, bất biến không thay đổi. Do đó, nghe Lời Chúa, gặp gỡ với Đức Giêsu không phải là lật lại tìm kiếm một nhân vật lịch sử đã qua, hay tìm đọc một huyền thoại và càng không thể là môt chuyện mê tín dị đoan, nhưng là gặp gỡ và tiếp xúc với một con người, một Ngôi Vị Thiên Chúa sống động. Ngày nay, xem ra người ta thích đi tìm kiếm những kiến thức về Đức Giêsu, về Hội Thánh của Người, về Thiên Chúa mà Người mạc khải để thoả mãn trí tò mò tri thức hơn là muốn gắn bó cuộc đời với Người. Cũng có người chỉ muốn phá đổ công trình của Người, lên án và tiêu diệt Người hơn là đón nhận người. Thái độ của Kitô hữu ngày nay sẽ như thế nào khi đón nhận Lời Chúa, sống với Đức Giêsu Kitô?

III. Lời Cầu Chung
* Lời Mở : Anh chị em thân mến, Đức Giêsu Kitô là Đấng Messia được Chúa Cha sai đến để cứu độ loài người chúng ta. Với tâm tình tri ân cảm tạ Thiên Chúa, chúng ta cùng sốt sắng dâng lời nguyện xin.

1. Chính Giáo Hội do Đức Giêsu thiết lập đã được Người uỷ thác sứ mạng cống bố sứ điệp Tin mừng cho con người và thế giới hôm nay. Chúng ta cùng cầu xin cho Giáo Hội chu toàn sứ mạng của mình với lòng tín trung, kiên nhẫn và sức mạnh của lòng mến.

2. Thế giới hôm nay đang chịu đựng biết bao thảm cảnh : đói nghèo, thiên tai, chiến tranh và nhiều sự suy đồi luân lý đạo đức. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo các Quốc gia, các dân tộc trên thế giới biết nỗ lực cộng tác với nhau xây dựng hòa bình; biết hợp nhất với nhau cùng phát triển.

3. Đức Giêsu đã đến để khơi lên niềm hy vọng, niềm vui sống và ban ơn cứu độ. Chúng ta cùng cầu xin cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta luôn có nơi con tim của mình tình yêu và sự công chính của Đức Giêsu. Xin cho tất cả mọi người Công Giáo Việt Nam trong năm thánh này trở nên chứng nhân của niềm tin yêu, hy vong và công bình bác ái cho mọi người trên quê hương đất Việt thân yêu này.

* Kết Nguyện : Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã khẳng định : ” Ngày hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh …” Ngày hôm nay chính là chúng con, là xã hội chúng con đây. Xin cho chúng con luôn ý thức sống những giá trị của Tin mừng trong cuộc sống hàng ngày, để qua đó, mọi người nhận ra được ơn cứu độ của Chúa. Chúa là Đấng hàng sống và hiển trị muôn đời.

Lm Giuse Maria Lê Quốc Thăng

Suy Niệm 2:    Tin Mừng Lc 1:1-4; 4:14-21

    Giêsu đã đến trong cuộc đời này. Lời Hứa Cứu Độ đã hoàn thành nơi Chúa Giêsu. Lời Hứa Cứu Độ ấy được báo trước qua miệng các ngôn sứ. Các ngôn sứ loan báo hình ảnh của Đấng Cứu Độ. Có lẽ rõ nét nhất là hình ảnh của ngôn sứ Isaia, một ngôn sứ quá đau khổ.

          Thánh Luca hôm nay cho thấy Đức Giêsu được đầy Thánh Thần, Ngài trở về Galilê, và tiếng tăm Ngài được đồn ra khắp vùng. Ngài bắt đầu giảng dạy trong các hội đường của người Do Thái, cụ thể ở hội đường làng Nadarét.

                   Chúa Giêsu luôn sống dưới tác động của Thánh Thần. Ngài làm tất cả dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần, cụ thể Ngài đi chịu phép rửa tại sông Yordan, Ngài vào hoang địa ăn chay cầu nguyện, và hôm này Ngài ra đi rao giảng. Dưới tác động của Thánh Thần, Đức Giêsu là người mang tin mừng cho người có tinh thần nghèo, loan báo tự do cho kẻ bị tù đầy, cho người mù được sáng, cho người áp bức được giải thoát, và năm hồng ân của Thiên Chúa cho mọi người.

          Chúa Giêsu luôn sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Tin Mừng nhiều lần đề cập đến điều này. Chẳng hạn như: được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, Người vào sa mạc ăn chay cầu nguyện. Hôm nay được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, Người đi rao giảng khắp miền Galilê. Trở về Nagiaréth, Người đọc Sách Thánh trong hội đường đúng đoạn nói về Ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Nhiều lần Tin Mừng nói Chúa Giêsu tràn đầy hoan lạc trong Chúa Thánh Thần. Nhờ đâu được như thế? Một phần nhờ việc đọc Sách Thánh.

          Chúa Giêsu thường xuyên đọc Sách Thánh. Tim hôm nay diễn tả: “Rồi Chúa Giêsu đến Nagiaréth, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sabbat, và đứng lên đọc Sách Thánh”. Yêu mến và gắn bó với hội đường, nên Chúa Giêsu thường xuyên đến sinh hoạt với mọi người trong hội đường. Yêu mến và gắn bó với Sách Thánh nên Chúa Giêsu thường xuyên đọc Sách Thánh. Còn hơn thế nữa, sau khi đọc, Người đứng ra giải nghĩa cho mọi người. Đó là nếp sinh hoạt bình thường của Người. Nếp sinh hoạt này đã thành thói quen từ khi Người còn nhỏ bé. Nên ngay từ khi lên 12 tuổi, Người đã có thể đối đáp với các bậc tiến sĩ trong Đền Thờ Giêrusalem.

          Lấy lại lời Ngôn sứ Isaia, Chúa Giêsu minh định rằng Thánh Thần ngự trên Người, xức dầu tấn phong cho Người để Người loan báo Tin mừng cho kẻ nghèo hèn. Và những hiệu quả của Lời Người loan báo đó là: “công bố cho kẻ bị giam cầm được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa” (Lc 4,18-19).

          Chúa Giêsu nghiêm túc thực hành lời Sách Thánh. Khi nói với mọi người rằng: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”, Chúa Giêsu muốn nói đến hai điều.

          Điều thứ nhất: Người tìm thấy thánh ý Chúa Cha qua đoạn Sách Thánh. Với thái độ kính cẩn, với lòng khiêm tốn hiếu thảo lắng nghe, Chúa Giêsu đã đọc được thánh ý Chúa Cha qua đoạn sách tiên tri Isaia. Biết lời tiên tri Isaia ứng nghiệm vào sứ mạng của mình.

          Điều thứ hai: Biết được thánh ý Chúa Cha rồi, Chúa Giêsu cương quyết thực hành. Người coi đó là chương trình hành động. Người coi đó là chỉ nam hướng dẫn. Dù sứ mạng của Người vừa mới khởi đầu, Người cũng cương quyết hoàn thành. Suốt đời Người sẽ thực hành chương trình này. Vì thế đoạn sách Isaia ứng nghiệm vừa do thánh ý Chúa Cha vừa do ý chí của Chúa Giêsu quyết tâm thực hành thánh ý Chúa Cha.

          Công bố năm hồng ân của Thiên Chúa: Đây là năm toàn xá đã được Thiên Chúa thiết lập trong Cựu Ước. Cuối một chu kỳ bảy năm là năm Sabat, thì phải để cho đất đai được nghỉ ngơi, không canh tác. Các nô lệ cũng được trả tự do …(x.Xh 21,2; Lv 25,1-7). Cuối chu kỳ bảy lần bảy năm và bắt đầu ngày mồng mười tháng bảy năm thứ bốn mười chín thì khởi đầu một năm toàn xá (x.Lv 25,8-54). Trong năm này đặc biệt cần phải thực thi ân tình cách khoáng đạt với người nô lệ, người nghèo, khách ngụ cư…như tha nợ, trả tự do, trả lại đồ cầm cố…

          Những quy định của năm toàn xá không nguyên chỉ để tái lập sự công bằng theo nghĩa công bằng phân phối, vì “ai giàu ba họ, ai lại khó ba đời!”, mà còn nói lên lòng nhân hậu vô biên của Thiên Chúa, đặc biệt dành cho những người nghèo hèn, bé mọn, cô thân, yếu thế. Tự sức mình, những người này như bất lực để giải thoát mình khỏi cảnh bần hàn, túng khổ. Và chỉ có Thiên Chúa mới có thể giải thoát họ.

          Khi ra giảng đạo, Chúa đã đi cùng khắp mọi miền. Có khi Chúa giảng ngoài bãi biển, nơi chân đồi, ngoài cánh đồng, trong tư gia, ngoài đường phố và hôm nay Chúa đã vào Hội đường: “Người giảng dạy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh.” (Lc 4,15) Nhiều người đi theo Chúa và chăm chú lắng nghe. Chúa giảng với uy quyền và lời Chúa có sức biến đổi tận tâm can. Khi vào Hội đường, Chúa Giêsu đã đứng lên đọc sách Tiên tri Isaia với đoạn này: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” (Lc 4,18-19) Đây là đoạn sách quan trọng nhất nói về Đấng Thiên Sai đã được chính Chúa Giêsu xác nhận: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” (Lc 4, 21). Trong 3 năm giảng dạy, Chúa đã hoàn thành mọi lời tiên tri đã loan báo về Ngài.

           Không phải là Chúa Giêsu khinh bỉ người giàu, người quyền thế mà có thể nói Ngài đến để giúp cho những con người thấp hèn kia được nâng cao, được tôn trọng như những con người giàu có, quyền quý. Chính Ngài đã chọn sinh ra trong thân phận một người nghèo. Chính Ngài đã sống một cuộc đời nghèo khó. Nghèo khó đến nối “không có nơi gối đầu”. Mỗi bước chân của Ngài đều hướng đến những người khổ đau. Mỗi ánh mắt của Ngài đều hướng về những con người bất hạnh. Mỗi cái nhìn của Ngài đều chạnh lòng thương những ai đang đau khổ bơ vơ vì bị bỏ rơi, vì thiếu thốn tư bề.

          Chúa Giêsu đã đến và Ngài đã thực hiện trọn vẹn sứ vụ của Đấng Messia mà các tiên tri đã loan báo. “Khi Người đến mắt người mù sẽ được nhìn thấy. Tai người điếc sẽ được nghe. Người câm nói được và người què nhảy nhót như nai”. Tất cả những điều đó hôm nay đã ứng nghiệm trong con người Đức Giêsu miền Nagiaret. Thiên Chúa đã nhập thể làm người để nâng con người nên làm con Thiên Chúa. Thiên Chúa đã trở nên Emmanuel ở lại luôn mãi với nhân trần. Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người để yêu thương và ban phát ơn lành. Đấng Thiên Sai đã chọn người nghèo, người cùng khổ để dấn thân phục vụ. Đấng Thiên Sai đã sống một kiếp người trong nghèo khó, thiếu thốn tư bề để cảm thông với những lắng lo của kiếp người truân chuyên.

          Mỗi người chúng ta là một chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Chúa, đặc biệt là những người nghèo. Ngay từ những bài giảng đầu tiên, cho đến những phép lạ, Chúa Giêsu luôn quan tâm đến những ai không có chỗ tựa nương, không có chỗ trông nhờ,không có ai giúp đỡ. Sự xuất hiện của Ngài ở đâu,bất cứ lúc nào, cũng đều là tâm điểm lôi cuốn tất cả mọi người.Ngài đã đồng hành với mọi người bằng những tiêu chí: cùng ăn, cùng ở và cùng sống với những người đói khổ, khó nghèo cả tinh thần lẫn vật chất. Ngài không sống riêng cho mình, nhưng trái lại bị quấy rầy suốt ngày, thậm chí không còn giờ để ăn uống, gia đình cũng tưởng “Ngài đã mất trí”.

          Giữa một xã hội quá nhiều những thị phi như thế, Chúa đang cần chúng ta hãy tiếp tục công việc của Chúa. Hãy là những chứng nhân cho công việc phục vụ anh em. Hãy đem tình yêu Chúa trải rộng khắp mọi nẻo đường chúng ta đi. Hãy biết chạnh lòng thương với những ai đang khốn khổ lầm than. Hãy biết chia sẻ cơm bánh cho những anh em nghèo đói. Hãy cúi mình phục vụ những ai không có gì để đền đáp lại chúng ta.

Huệ Minh

Tin Mừng Lc 1:1-4; 4:14-21
 

Nhiều tu sĩ cao niên đến gặp thầy Antôn. Ở giữa là thầy Giuse. Muốn thử họ, thầy Antôn đưa ra cho họ một lời Thánh Kinh, và bắt đầu từ tu sĩ trẻ nhất, thầy hỏi ý nghĩa của lời ấy. Mỗi tu sĩ đều nói theo khả năng của mình. Nhưng với tu sĩ nào thì thầy Antôn cũng nói : “Anh chưa tìm ra ý nghĩa”.

Tu sĩ cuối cùng nói với thầy Giuse :   – “Còn thầy, thầy giải thích lời đó ra sao ?”

Thầy Giuse đáp : – “Tôi không biết”.

Lúc ấy thầy Antôn nói : – “Đúng, thầy Giuse đã tìm được giải đáp, vì Thầy nói : tôi không biết”.

Trước lời giải đáp của những vị tu sĩ cao niên đã nhiều năm sống đời tu hành trong hoang địa, ngày đêm không ngừng suy niệm Lời Chúa, thầy Antôn vẫn nhất mực nói : “Anh chưa tìm ra ý nghĩa”. Nhưng với thầy Giuse, người có uy tín nhất, người đã trả lời “tôi không biết”, thầy Antôn lại bảo : “chính thầy Giuse đã tìm được giải đáp”.

Thưa anh chị em,

Phải chăng có một nghịch lý trong giai thoại trên đây ?

Trước mầu nhiệm của Thiên Chúa, trí khôn con người làm sao có thể hiểu nổi và ngôn ngữ của con người làm sao có thể diễn tả được ? Bởi vậy, cách giải thích Lời Chúa trung thực nhất là thú nhận rằng mình không giải thích nổi. Chỉ Thiên Chúa mới hiểu biết Lời Ngài và nói Lời Ngài cách thích đáng và xứng hợp. Hôm nay chúng ta được nghe chính Chúa Giêsu đọc lại lời tiên tri Isaia và giải thích cho chúng ta :

“Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, tuyên cáo lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, loan tin cho người mù biết sẽ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa”. Đọc xong, Ngài ngồi xuống. Mọi người nhìn thẳng vào Ngài mà chờ đợi. Trong khung cảnh im lặng linh thiêng ấy, Chúa Giêsu bắt đầu nói với họ : “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà quý vị vừa nghe”.

Phải, Chúa Giêsu đã làm ứng nghiệm mọi lời tiên tri nói về Ngài từ hàng trăm năm trước. Đó là bằng chứng Đức Kitô là Đấng Thiên Chúa sai đến, Ngài thật là Con Thiên Chúa. Một bằng chứng khác nữa là những phép lạ Ngài làm đã có rất nhiều lời Tiên tri trong Cựu Ước tiên báo, trước khi Ngài sinh ra hàng trăm năm và đã ứng nghiệm từng chữ trong đời sống của Ngài.

Thật vậy, suốt thời gian Chúa Giêsu sống và rao giảng, Ngài đã thực hiện lời Tiên tri tiên báo : Ngài công bố Tin Mừng cho người nghèo. Ngay lúc mới sinh ra, những mục đồng nghèo khó là những người đầu tiên được loan báo Tin Mừng. Sau nầy, khi các môn đệ của Gioan Tẩy Giả đến hỏi Ngài có phải Ngài là Đấng Cứu Thế không, Ngài đã bảo họ về kể lại cho ông Gioan biết những gì Ngài đã làm : người mù được thấy, người què được đi, người điếc được nghe, người câm được nói v.v… đúng như lời Tiên tri Isaia tiên báo.

Hôm nay, trong Hội đường ở Nagiarét, giữa đồng bào đồng hương của Ngài, Chúa Giêsu đã tuyên bố : Ngài đến để thực hiện những lời Tiên tri Isaia mà họ vừa nghe Ngài đọc. Ngài có sứ mạng đem ơn Cứu độ đến cho những người nghèo đói, bệnh tật, tù đầy, bị áp bức, qua lời giảng dạy và những phép lạ Ngài làm. Nói như thế có nghĩa là Chúa Giêsu là Đấng Thiên Chúa sai đến công bố năm hồng ân cho những người nghèo khổ. Ngài quan tâm đến những khổ đau của những con người đau khổ ; Ngài lấy việc giải thoát họ làm sứ mạng của mình, và ơn cứu độ, trước mắt Ngài, là tái lập trật tự trong xã hội con người và trong thế giới, nơi đó, công lý, yêu thương và hòa bình phải ngự trị.

Anh chị em thân mến,

Chúa Kitô đã trao sứ mạng của Ngài cho Giáo Hội. Và Giáo Hội luôn ý thức về sứ mạng của mình trong thế giới. Qua suốt chiều dài lịch sử, Giáo Hội luôn nổ lực thực hiện sứ mạng của Chúa Kitô, đem Tin Mừng cho người nghèo khó. Chính Giáo Hội đã khai sinh ra các bệnh viện, các trường học, các cô nhi viện, các trại cùi, trại tế bần, nhà dưỡng lão. Những công việc từ thiện, bác ái, xã hội, văn hóa, Giáo Hội đã làm, ngày nay vẫn còn giá trị. Và hôm nay sứ mạng của Giáo Hội có lẽ còn khẩn trương hơn nữa, vì sứ mạng rao giảng Tin Mừng cứu độ ngày nay phải bao gồm cả những vấn đề hết sức quan trọng và sôi nổi nhất, liên quan đến công lý, giải phóng, phát triển và hòa bình.

Mẹ Têrêxa Calcutta trong những ngày đầu khi mới khởi sự làm việc cho những người cùng khổ nhất trong vùng ngoại ô. Mẹ đã bị sốt liệt giường. Trong cơn mê sảng, Mẹ bỗng thấy mình được đến trình diện trước mặt Thánh Phêrô, người giữ cửa Thiên đàng. Nhưng Thánh Phêrô chận lại không cho Mẹ Têrêxa vào Thiên đàng. Thánh Phêrô nói : “Không để cho một người ở khu ổ chuột được vào Thiên đàng : Thiên đàng không có nơi cùng khổ”.

Mẹ Têrêxa tức giận nói với Thánh Phêrô : “Thế ư ? Vậy thì con sẽ làm mọi cách để làm cho Thiên đàng đầy dẫy dân cư của các khu ổ chuột và lúc đó, Ngài bị bắt buộc sẽ để cho con vào Thiên đàng”.

Tội nghiệp Thánh Phêrô. Kể từ sau giấc mơ đó, Mẹ Têrêxa và các nữ tu của Mẹ đã không để cho Ngài được ở yên phút nào. Không biết bao nhiêu người cùng khổ và cô đơn đã qua đời trong vòng tay ôm ấp của Mẹ và các nữ tu. Thiên đàng đã trở thành nơi cư trú của những người cùng khổ.

Ngày nay với gần 3000 nữ tu đang dấn thân với danh nghĩa là “thừa sai bác ái” trong 350 cơ sở xã hội, thuộc gần 100 quốc gia, những thừa sai bác ái ấy là những nhân chứng cho Chúa Kitô, cho sức mạnh của Tin Mừng, sức mạnh giải phóng những người nghèo khổ trên thế giới.

Nhắc lại thành quả của Mẹ Têrêxa, không nhằm làm chúng ta hãnh diện cho bằng thúc giục chúng ta, mỗi người trong phạm vi của mình, không được nản chí, đừng chê việc nhỏ, vì hành động của tình yêu không có gì là nhỏ, là không đáng kể. Còn biết bao người nghèo đói, khốn cùng chung quanh chúng ta. Đến bao giờ chúng ta mới có thể nói được như Chúa Giêsu : “Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh anh chị em vừa nghe “. Mỗi người hãy tiếp nối công việc của Chúa Kitô chung quanh mình, bằng cách chia sẻ niềm vui và ánh sáng, nâng đỡ người đau khổ thể xác và tinh thần, tẩy trừ sợ hãi, giải thoát người dốt nát, xoa dịu các oán hờn, an ủi kẻ cô đơn, biểu lộ sự hiện diện tích cực của Chúa bằng hoạt động của mình.
Nếu chúng ta trung thành thực thi nhiệm vụ môn đồ Chúa Kitô như thế, thì lời Tiên tri Isaia hôm nay cũng được ứng nghiệm, năm hồng ân của Chúa hôm nay đã được công bố và Nước Thiên Chúa đã hiện diện giữa chúng ta ngay từ bây giờ.

Lm Phanxicô Xavie Lê Văn Nhạc