Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu (23: 27-32)
27“Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. 28Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác !29“Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người xây mồ cho các ngôn sứ và tô mả cho những người công chính. 30Các người nói: ‘Nếu như chúng ta sống vào thời của tổ tiên, hẳn chúng ta đã không thông đồng với các ngài mà đổ máu các ngôn sứ.’ 31Như vậy, các người tự làm chứng rằng các người đúng là con cháu của những kẻ đã giết các ngôn sứ. 32Thì các người đổ thêm cho đầy đấu tội của tổ tiên các người đi!
Tin Mừng Mt 23: 27-32
Là Kitô Hữu lúc 33 tuổi, làm linh mục lúc 36 tuổi, được tấn phong giám mục lúc 41 tuổi: ai ai cũng quen thuộc với tiểu sử tóm lược của Thánh Augustine Hippo, một tội-nhân-trở-thành-thánh-nhân. Nhưng có thực sự biết về cuộc đời thánh nhân thì điều đó mới có giá trị.
Dù khi xa cách Thiên Chúa hay hướng về Thiên Chúa, đời sống của ngài mau chóng đạt đến mức độ mãnh liệt. Nước mắt của mẹ ngài, những lời huấn đức của Thánh Ambrôsiô và, trên hết mọi sự, chính Thiên Chúa nói với ngài qua Kinh Thánh đã thay đổi tính đam mê thế gian của Augustine thành một cuộc đời đầy bác ái.
Từng đắm chìm trong sự cao ngạo về cuộc đời mình trong thời niên thiếu và từng say sưa cặn bã cay đắng của cuộc đời, nên người ta không ngạc nhiên khi thấy Augustine, khi quay trở về, ngài đã phải chống trả với sự tấn công của ma quỷ bằng sự thánh thiện quyết liệt. Thời đại của ngài thực sự sa sút — về chính trị, xã hội và luân lý. Người ta vừa sợ và vừa mến ngài, giống như Thầy Giêsu. Ngài bị chỉ trích không bao giờ cùng: là bản tính khắt khe của loài người.
Thánh Augustinô thú nhận rằng Ngài đã tìm cách để có sức mạnh cần thiết để chiêm ngắm Thiên Chúa, nhưng ông không thể tìm được cho đến khi Ngài tìm đến Đức Kitô, người trung gian giữa Thiên Chúa và con người, vì Ngài cũng chính là Thiên Chúa muôn đời. Chính Đức Kitô đã mặc khải, “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14, 6). Ngài là Lời đã hoá thành xác thịt, là sự khôn ngoan của Thiên Chúa qua đó Thiên Chúa tạo dựng mọi sự. Ngài có thể cung cấp cho chúng ta, con cái của Ngài, sữa khôn ngoan.
Khi đã cảm nghiệm được sự dịu ngọt và bình an của Thiên Chúa, Augustinô đã đau đớn thú nhận những lời này, “Con biết Ngài muộn màng quá, Ôi sắc đẹp cổ kính nhưng luôn mới! Ngài đã ở trong con, nhưng con đã ở ngoài và con đi tìm Ngài ở bên ngoài. Trong những xấu xa của con, con đã gieo mình vào những tạo vật do Ngài sáng tạo. Những tạo vật này, nếu Ngài không tạo dựng chúng sẽ không bao giờ hiện hữu, ngăn ngừa con đến với Ngài. Ngài đã gọi, đã thét lên, và đã phá vỡ bệnh điếc của con. Ngài đã chớp, đã chiếu sáng, và đã làm tiêu tan sự mù loà của con. Ngài đã thở hương thơm của Ngài trên con; con đã hít lấy và khao khát Ngài. Con đã nếm thử Ngài, và giờ đây con đói khát Ngài hơn nữa. Ngài đã đụng chạm con và con đã tiêu tan trong bình an của Ngài.”
Cuộc đời ngài, do thiên ý, ngài đã chu toàn nhiệm vụ của một ngôn sứ. Như ngôn sứ Giêrêmia và các vị đại ngôn sứ khác, ngài bị bó buộc nhưng không thể giữ im lặng. “Tôi tự nhủ, tôi sẽ không nhắc đến Người, tôi sẽ không nhân danh Người mà lên tiếng nữa. Nhưng rồi như lửa bừng cháy trong tim, giam hãm thân thể tôi; và tôi cầm hãm không nổi, chịu đựng không thấu” (Gr 20, 9).
Ta thấy Khi Ngài còn sống trong tội lỗi và yêu chuộng cuộc đời trụy lạc, thì Thiên Chúa là tình yêu đã dùng hình ảnh của người mẹ để từ từ lôi kéo ngài về với Chúa. Như vậy chúng ta thấy nhờ ơn Chúa, con người có thể thắng mọi trở ngại. Dù là những đòi hỏi của một trí tuệ sắc sảo, kiêu căng, hay những lệ thuộc của một thể xác đầy dục vọng, ơn Chúa cũng vẫn chiến thắng để làm cho con người thuộc về Chúa nếu con người có ý chí quyết tâm, kiên trì và sẵn sàng hy sinh cho con mình như trường hợp bà Monica.
Và rồi ta thấy Thánh Augustinô là người thích chiêm niệm hơn, nhưng Chúa lại thúc dục ngài hoạt động. Cuộc trở lại của ngài cho chúng ta một gương về sinh hoạt tông đồ. Nếu chúng ta được mời gọi hoạt động, hãy chấp nhận như một bổn phận đức ái, nhưng đừng lãng quên chiêm niệm vì công việc tông đồ của chúng ta cần có hậu thuẫn của một sự tiếp xúc mật thiết với Chúa và nguồn mạch sự sống và chân lý.
Với trang Tin Mừng trong ngày lễ Thánh Augustinô, ta thấy Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đừng sống theo vẻ bề ngoài, nhưng sống theo sự thật trong tương quan với chính Thiên Chúa là Cha chúng ta, nhất là khi bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Đó là ba việc đạo đức căn bản trong đời sống đức tin; và chúng ta có thể mở rộng ra tất cả tất cả những việc đạo đức khác, và nhất là mở rộng ra cung cách sống căn tính Kitô hữu hay căn tính tu sĩ của chúng ta. Thực vậy, Chúa Giêsu nói trong bài Tin Mừng của Ngày Lễ Tro: “Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm,để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh”. (Mt 6, 1-18)
Thay vì phô trương, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta thực hành các việc đạo đức một cách kín đáo. Không phải để thi thố sự khiêm nhường, nhưng để trở nên giống Cha của mình là Thiên Chúa, Đấng hiện diện nơi kín đáo và hành động một cách kín đáo. Trong những lời chúng ta vừa trích dẫn, Chúa Giêsu dùng tới sáu lần từ “kín đáo”, trong đó năm lần được dùng để nói về Thiên Chúa Cha: Cha của anh hiện diện nơi kín đáo; Cha của anh thấy trong kín đáo. Như thế, Thiên Chúa, Cha của Chúa Giêsu, là “Đấng kín đáo” và Ngài mời gọi chúng ta cũng trở nên “những người con kín đáo” như Cha của mình.
Và chúng ta cứ nghiệm lại mà xem: Thiên Chúa hiện diện và hành động kín đáo biết bao trong sáng tạo, trong lịch sử loài người, nơi cuộc đời chúng ta và nhất là nơi Thập Giá của Chúa Giêsu. Chúng ta phải có ngũ quan biết chiêm ngắm, mới có thể nhận ra Thiên Chúa hiện diện, lên tiếng và hành động.
Trở lại ý nghĩa của Thánh Lễ hôm nay. Khi ta mừng lễ thánh Augustinô chúng ta học được bài học từ sự kiên trì, hy sinh trong nước mắt và cầu nguyện của thánh Mônica. Tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa, vì: “Đối với con người thì không thể, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể”.
Và ta cũng không bao giờ thất vọng đến độ không dám chạy đến với lòng thương xót của Chúa, để được gội rửa, hầu trở nên trong sạch, để làm lại cuộc đời trong ân sủng của Thiên Chúa. Hãy cậy trông, phó thác và tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa, vì ơn cứu độ của ta nhờ vào hy vọng.
Huệ Minh
Noel Quession – Chú Giải
Bài đọc I : 1 Tx 2,9-13
Anh em thân mến, anh em vẫn còn nhớ đến công lao khó nhọc của chúng tôi : chúng tôi phải làm việc ngày đêm để khỏi trở nên gánh nặng cho một ai trong anh em, khi chúng tôi rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa giữa anh em.
Phẩm giá của “việc làm tay chân”.
Thánh Phaolô tán dương công việc nghề nghiệp mà Chúa Giêsu đã thánh hóa (Mt 13,55).
Người đã không mắc cỡ khi bàn tay chai cứng và kiếm tiền để “đáp ứng các nhu cầu của mình, của các bạn mình” (Cv 20,34) Phaolô là thợ dệt, chế tạo vải lều ! Người làm việc trong xưởng thợ với các công nhân khác, Corintô, tại nhà Aquila và Priscilla (Cv 18,3).
Các lương dân thuộc văn minh Hylạp khi bỉ việc tay chân như là chuyện bất xứng với một người tự do, “việc tôi đòi” như mới đây người ta còn nói trong Hội Thánh. (Hỡi ơi !) Đối với Phaolô, trái lại, như mọi nhà trí thức Do Thái, công việc tay chân không chỉ là một nhân tố bổ túc cho sự quân bình của con người, mà trước hết là phương thế để “đừng nên gánh nặng cho người khác”, và như vậy để có thể rao giảng Tin Mừng một cách nhưng không và trong sự độc lập hoàn toàn hơn trước các thế lực của tiền bạc. Đòi hỏi hoàn toàn thời sự.
Tin Mừng của Thiên Chúa.
Trong một vài dòng, kiểu nói này được trùng tới hai lần.
Đừng quên rằng “Tin Mừng” như những sách viết khi ấy chưa có. Trước khi trở thành một vật của thư viện, Tin Mừng đã là “tin lành của Thiên Chúa” mà người ta truyền đạt cho mọi người muốn lãnh nhận, truyền từ người này đến người khác.
Chính anh em làm chứng và cả Thiên Chúa cũng làm chứng : Chúng tôi ăn ở thánh thiện, công chính và không đáng trách điều gì đối với anh em là những kẻ đã tin.
Một lần nữa Phaolô tự bảo vệ để khỏi là một triết gia hay một kẻ tuyên truyền… hay một giáo sư dạy giáo lý lành mạnh. Điều đáng kể đối với Ngài, trước mặt Chúa, là những thái độ thánh thiện, công bình, hoàn hảo mà chứng tích là chính đời sống con người.
Như anh em biết, chúng tôi đối xử với mỗi người trong anh em như cha đối xử với con cái mình, khi chúng tôi khuyên răn, khích lệ …
Phaolô đã so sánh tình thương của Người đối với các tín hữu như sự hiền dịu và nhiệt thành của tình mẹ (1 Tx 2,11).
Tôi gợi nhớ bao người cha tôi biết, với những lo lắng họ dành cho con cái họ : Tình cảm tự nhiên, phổ quát … ngôn ngữ có thể làm xúc động mọi giống nòi. Không có việc Tông đồ nếu không có tình yêu ! Là Tông đồ, không hề là người chỉnh lý những sai phạm. Không hề là thầy dạy luân lý, mà là người “khuyên răn và khích lệ như một người cha !”.
Chúng tôi van nài anh em hãy ăn ở sao cho xứng đáng với Thiên Chúa.
Bởi vì, ở đây nói về một sự việc hoàn toàn khác với một “tình cảm”. Người nói về một tình cha chân thực, dầu là thiêng liêng, là Tông đồ, chính là “chuyển thông sự sống” sự sống của Thiên Chúa.
Thánh gioan, sau này, sẽ đặt vào miệng Chúa Giêsu : “Ong phải sinh lại bởi nước và Thánh Thần” (Ga 3).
An ở xứng đáng với Thiên Chúa, xứng là con Chúa.
Vì anh em nhận lãnh lời Thiên Chúa do chúng tôi rao giảng, anh em đã nhận lãnh lời ấy không phải như lời của người phàm, mà như lời Thiên Chúa và thực sự là thế, lời đó hoạt động trong anh em là những kẻ đã tin.
Một lời tác động Thiên Chúa làm cho sống động một cách mới.
Bài đọc II : 2 Tx 3,6-10.16-18
Thưa anh em, nhân danh Chúa Giêsu Kitô …
Phaolô không bao giờ sống một mình. Đức Giêsu nói.
Nhân danh Chúa Giêsu Kitô, chúng tôi truyền cho anh em phải xa lánh mọi người anh em sống trong nhàn rỗi, không theo truyền thống anh em đã nhận được từ nơi chúng tôi.
Như chúng ta đọc thấy hôm qua, lòng mong đợi cuộc tái quang lâm, có thể trở nên nguồn hoan lạc và niềm trông cậy biết bao. Nhưng đừng để nó nên cớ trốn tránh các thực tại ở đời. Thiên Đàng không phải là một thứ á phiện. Và Phaolô sẽ khuyên bảo các tín hữu của mình hãy xông pha vào mọi công việc của nghề nghiệp.
Nghề nghiệp của tôi. Trách vụ cụ thể của tôi mỗi ngày.
Tôi dành thời giờ để suy nghĩ về điều đó ngay lúc này.
Điều ấy cũng làm cho Chúa Giêsu Kitô thích thú.
Nhân danh Chúa Giêsu Kitô, Phaolô đã mạnh dạn tuyên bố là phải xa lánh những người sống nhàn rỗi, không làm gì hết.
Nếu ai không chịu làm việc thì cũng đừng ăn.
Đó là huấn thị mà Phaolô đã đưa ra.
Sự lười biếng, lòng hăng say làm việc … không phải chỉ là những điều hoàn toàn phàm tục.
Thật là tốt đẹp khi nghĩ đến bao người, nam nữ, đang lao động, và đôi khi, họ không biết rằng mình làm như vậy là thực thi “tôn ý Thiên Chúa”.
Lạy Chúa, con xin dâng Người cuộc đời của tất cả những người lao công.
Xin Người nhìn đến cách riêng những người lao tác nặng nề … những người đang thất nghiệp … Những người lao công mà không kiếm đủ ăn hằng ngày …
Chính vì anh em thừa biết là anh em phải bắt chước chúng tôi thế nào. Khi ở giữa anh em chúng tôi không sống nhàn rỗi, chúng tôi chẳng ăn bám ai, trái lại, đã làm lụng khó nhọc đêm ngày, để khỏi nên gánh nặng cho người nào trong anh em.
Thánh Phaolô đã là một người thợ dệt. Người làm việc để sinh sống. Một thứ linh mục thợ, đã khởi xướng.
Chắc hẳn chúng tôi có quyền hưởng sự giúp đỡ, nhưng là vì chúng tôi muốn nên gương cho anh em bắt chước.
Phaolô biết rằng Đức Giêsu đã nói với các Tông đồ : “Người thợ thì đáng được hưởng đồng lương” (Mt 10,10). Để quả quyết rằng cộng đồng phải nuôi sống những người đã dùng hết thời giờ cho việc truyền bá Tin Mừng.
Nhưng chính ông lại muốn làm một ngoại lệ để nêu gương cho “việc làm công thông thường”. Việc đó nhấn mạnh phẩm cách và giá trị của lao động.
Xin Thiên Chúa là nguồn mạch bình an ban cho anh em được bình an mọi lúc và về mọi phương diện.
Các người Hylạp chào hỏi bằng cách chúc nhau vui vẻ : “Bạn hãy vui lên”.
Các người Rôma chúc nhau sức khỏe : “Chúc bạn mạnh khỏe”.
Các người Do Thái chào nhau bằng câu chúc “bình an” : Shalom, mà họ còn dùng đến ngày nay.
Chính Phaolô dùng câu chào này.
Bình an về mọi phương diện. Trong mọi lúc, nhân danh Thiên Chúa.
Xin Chúa ở cùng tất cả anh em.
Lời chúc này còn được lặp lại trong mỗi Thánh lễ.
Phải tẩy nó sạch hết bụi bặm, trả lại cho nó tất cả giá trị.
Đó là một lời chúc tốt đẹp nhất mà ta có thể trao tặng bất cứ ai.
Tôi lặp lại câu chúc này mà tưởng nghĩ đến những người thân yêu.
BÀI TIN MỪNG : Mt 23,27-32
Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình, các người giống như mồ mả tô vôi …
Trong thời đó, người ta thường quét vôi các ngôi mộ, để ai cũng có thể nhìn thấy chúng cách rõ ràng và để người ta không thể chạm đến chúng mà lại không biết, khi mắc phải một “ô nhơ theo luật”.
Luôn có cùng một thái độ duy hình thức như thế : Cho dù ta có thể phạm một tội mà không biết, nhưng xét về “chất liệu” thì vẫn đang là một điều bị cấm !
Bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương kẻ chết và đủ mọi thứ ô uế. Các người cũng vậy : bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và tội lỗi.
Ở đây, Đức Giêsu đả kích sự chênh lệch trong ta, giữa “cái lộ vẻ” và “cái thực hữu” … giữa điều mà ta để cho kẻ khác thấy qua đời sống mình và điều mà ta giấu kín họ.
Đức Giêsu là Đấng Thánh duy nhất, chỉ mình Người mới có thể đưa ra các đòi hỏi trên mà không là đạo đức giả.
Còn mọi người đều tội lỗi, mọi kẻ giảng dạy cũng tội lỗi … Mọi người phê bình rất nghiêm khắc kẻ khác, cũng là kẻ có tội …
Và tính giả hình mặc đủ mọi dạng thức, kể cả việc tố cáo kẻ khác là giả hình : “Kitô hữu không tốt gì hơn kẻ khác”.
Nhưng đôi khi ta có thể hỏi vặn lại : “Thế còn ông ? Thưa ông, chính ông có hoàn hảo không ? Mà ông lại đòi hỏi Kitô hữu hoàn hảo ?”.
Trước đòi hỏi khe khắt phải sống chân thực trên đây, chúng ta hãy trở nên hoàn toàn bé nhỏ, nhận biết sự hạn hẹp của mình. Đàng khác, cũng không nên phô bày cách công khai những đau khổ thầm kín của ta. Thái độ chuộng phô diễn, đến lượt nó, có thể trở nên một cách giả hình, bằng cách làm bộ để ra vẻ biện minh cho những phương diện xấu kém của mình. Đưa mọi uế tạp ra cả mộ phần, thì không phải là điều Đức Giêsu ca ngợi. Tốt hơn là nên thanh tẩy bên trong, như ta đã tô điểm vẻ bề ngoài.
Lạy Chúa, nhìn vào bên trong tâm hồn, chớ gì chúng con cũng luôn chăm sóc sạch sẽ và đẹp đẽ như chúng con lo lắng cho vẻ bề ngoài.
Khốn cho các người, các người xây mộ cho các ngôn sứ và tô điểm lòng của những người công chính. Các người nói : “Giá mà chúng ta sống vào thời của tổ tiên, chắc chúng ta không thông đồng với các ngài đổ máu của ngôn sứ”.
Mỗi thế hệ kế tiếp nhau, đều có giọng điệu như nhau : “Nếu chúng tôi sống vào thời đó, chúng tôi sẽ hành động tốt hơn các ông …”. “Hãy xem, các ông là những bậc đi trước mà để lại cho chúng tôi một xã hội bi thảm như thế đó …”. “A, nếu các ông mà trao trách nhiệm cho chúng tôi, các ông sẽ thấy ngay …”.
Và ta buộc tội cho tổ tiên … buộc tội cho những người Do Thái … và ta nghĩ rằng, cứ như ta, ta đâu có đóng đinh Đức Giêsu !
Như thế, lại thêm một thứ giả hình khủng khiếp, khi tin mình tốt hơn cha ông ! Tự xếp mình bên cạnh những người công chính ! Mà ta sắp tô điểm mộ phần trong nghĩa trang.
Cũng còn một thứ giả hình vô ý thức, khi nhìn một cách hời hợt những trang lịch sử Giáo Hội u tối, rồi tưởng rằng cuối cùng mình mới thanh luyện Đức tin … còn các bậc tiên tổ chỉ là những Kitô hữu rất tồi. Một vài người nói : Chúng tôi “sẽ làm lại Giáo Hội”. Thật là thái độ tự phụ rất ngây thơ !
Như vậy, các người chứng thực rằng : Các người đúng là con cháu của những kẻ đã giết các ngôn sứ. Thì các người đổ thêm cho đầy đấu tội của tổ tiên các người đi !
Toàn bộ chương 23 của Tin Mừng Thánh Mát-thêu mà ta vừa đọc lại, thật là u tối, bi quan, thê thảm. Có thể, nó đã gây cho ta bực mình do tính khe khắt của nó. Nhưng ta không thể hủy bỏ nó khỏi Tin Mừng. Đó là một con dao mổ, rạch mũ các vết thương. Nhưng sẽ gặp nguy hiểm nếu ta chỉ đem sử dụng trên các vết thương kẻ khác.
Giáo phận Nha Trang – Chú Giải
Mt 23,27-32
Đức Giê Su than trách
các tội của luật sĩ và biệt phái.
HOÀN CẢNH :
Đức Giê Su tiếp tục than trách các luật sĩ và biệt phái về tội giả hình.
Ý CHÍNH:
Bài Tin-Mừng hôm nay ghi lại lời Đức Giê Su than trách các luật sĩ và biệt phái về tội giả hình : lo đạo đức bên ngoài mà không lo cho có tâm hồn đạo đức, đạo đức bằng môi miệng bên ngoài mà lòng đầy nhơ nhớp.
TÌM HIỂU :
“27-28….Các người giống như mồ mả tô vôi….”
Đức Giê Su mượn một hình ảnh rất rõ rệt để tả sự giả hình gian dối của họ. Người ví họ như những mồ mả quét vôi ở nghĩa địa mồ mả sơn trắng bên ngoài, nhưng bên trng chứa đựng thây ma hôi thối…
Chúa có ý than trách các biệt phái cho lo “tốt mã” bên ngoài, nghĩa là những cái đạo đức bên ngoài của họ không che dấu được những tính xấu bên trong như óc háo danh, tham lợi bất công và nhất là sự bất tín căn bản của họ.
29-30″….các người xây mồ mả cho các ngôn sứ”
Sự giả hình của họ còn đi tới mức độ : một đàng tỏ ra phàn nàn, p-hản đối tổ tiên mình đã sát hại các ngôn sứ của Chúa, cho nên họ đã xây mồ cho các ngôn sứ.
Nhưng đàng khác, thì cha nào con nấy, họ còn có tâm địa tệ hơn tổ tiên của họ, là căm thù chính các ngôn sứ đã loan báo, là Đức Giê Su Kitô.
32 “các người đổ thêm cho đầy đấu tội cho tổ tiên các ngươi đi”
Tổ tiên đã giết các ngôn sứ là những người loan báo về Đấng Cứu Thế , bây giờ các luật sĩ và biệt phái đang âm mưu giết hại Đức Giê Su là Đấng Cứu Thế, như vậy tổ của họ còn nặng hơn của tổ tiên (đầy đấu tội của tổ tiên).
Vì các luật sĩ và biệt phái đang âm mưu giết Chúa, nên Chúa mong ngày đó chóng đến với Người, cũng như sau này trong bữa tiệc ly, Chúa đã bảo Giuđa “con tính làm gì thì làm lẹ đi”.
NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG :
1.Nhìn vào Chúa Giê-su :
a) Xem việc Chúa làm:
-Chúa Giê-su đánh giá con người không chỉ dựa vào hình thức bên ngoài, nhưng còn dựa vào nội dung và tâm lý bên trong, vì thế Chúa đã than trách lòng đạo đức giả hình của các luật sĩ và biệt phái. Noi gương Chúa : chúng ta đừng vội đoán và kết luận về giá trị của tha nhân khi chỉ biết hình thức bên ngoài, nhưng còn phải dựa vào tâm tình và ý hướng bên trong nữa. Vì “ở lâu mới biết lòng người”.
– Chúa Giê-su đánh giá việc làm của con người không phải chỉ dựa vào dáng vẻ hào nhoáng bên ngoài (xây mồ mả cho các ngôn-sứ, tô mả cho những người công chính) nhưng Người còn dựa vào tâm lý vàhiệu quả của công việc nữa. Noi gương Chúa, chúng ta không nên hấp tấp và nhẹ dạ khi đánh giá việc làm của người khác mà không dựa vào thời gian và hiệu quả của công việc để kiểm chứng hư thực thế nào.
a) Nghe lời Chúa nói :
– “Các ngươi giống như mồ mả tô vôi …” :
Chúa than trách khi chúng ta có đời sống bên ngoài ra vẻ đạo đức, nhưng tâm hồn, tinh thần và ý hướng bên trong đầy những thói hư tật xấu, như : ích kỷ, tham lam, bất công và thù hằn ghen ghét …
– “Các ngươi xây mồ cho các ngôn-sứ …” :
Chúa than trách khi chúng ta giả hình trong việc làm :
Nhiệt tình làm những việc bác ái bên ngoài, chỉ vì muốn háo danh, nhưng nơi gia đình hay trong cộng đoàn thì ích kỷ, bon chen hẹp hòi, keo kiệt và khó tính.
Ham thích làm những việc phô trương bên ngoài, nhưng lại khinh khi và chay lười những việc âm thầm hàn mọn …
Nhiệt tình và hăng say trong các công việc Tông Đồ và chăm chỉ trong các việc đạo đức … nhưng không lo thanh tẩy đời sống và thánh hóa bản thân.
Tỏ ra mình đạo đức và tốt lành khi phê bình những yếu đuối, thiếu xót và lỗi lầm của người khác, nhưng chính mình lại có nhiều việc làm bất công, những lời nói gây chia rẽ hận thù cho tha nhân và những tâm ý hiểm độc gây tai hại cho những người chung quanh.
Nhìn vào những người Chúa than trách :
Suy niệm những lời Chúa than trách các luật sĩ và biệt phái, chúng ta tự kiểm điểm bản thân về sự giả hình :
Giả hình trong việc làm : chỉ chăm làm đẹp, làm tốt và làm duyên bên ngoài, cốt cho người ta thấy để được tiếng khen.
Giả hình trong lời nói : nói một đàng nghĩ một nẻo, khẩu phật tâm xà.
Giả hình trong ý tưởng : có nhiều ý tưởng đẹp, có những tâm ý hay, nhưng không sống và không thực hành bằng những việc cụ thể để minh chứng.
Giả hình trong đời sống : sống có vẻ đạo đức, tốt lành, nhưng thực chất đầy những tính mê nết xấu, nham hiểm …
Giả hình trong cách giao tiếp : bề ngoài tỏ ra lịch thiệp, xã giao và tốt bụng, nhưng bên trong thiếu thiện chí, không có lòng kính trọng tha nhân và nhất là thiếu thành thực với tha nhân.
Giả hình trong đời sống đạo : chê trách và tỏ ra khó chịu bực bội về những khuyết điểm của người khác, nhưng chính mình đang có những yếu đuối, khuyết điểm và thiếu sót làm phiền lòng người khác thì lại không xem sao: thấy cái rác ở nơi tha nhân mà không thấy cái xà trong mắt của mình.
HTMV Khóa 10 – ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn