Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 6: 12-19)
12 Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa.13 Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ.14 Đó là ông Si-môn mà Người gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là các ông Gia-cô-bê, Gio-an, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô,15 Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn biệt danh là Quá Khích,16 Giu-đa con ông Gia-cô-bê, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, người đã trở thành kẻ phản bội.17 Đức Giê-su đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn18 đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành.19 Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người.
Khi thi hành sứ vụ thiên sai của mình ở trần gian, Chúa Giêsu đã cho mọi người thấy chính Người là hiện thân của sự cầu nguyện liên lỉ. Người luôn cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha trong những thời khắc quan trọng: Lúc chịu Phép Rửa; khi hiển dung trên núi; trong Vườn Cây Dầu trước khi chịu khổ nạn; đang bị treo trên thập giá; và ngay lần này – trước khi chọn 12 tông đồ để sai các ông tiếp tục sứ mạng rao giảng Tin Mừng mà người đã loan báo ( Lc 6,12-19).
Trang Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu gọi và chọn mười hai tông đồ. Đây là những con người được Chúa đặt làm nền tảng Giáo Hội. Để chọn mười hai người trong số các môn đệ theo mình, Chúa Giêsu đã tìm Thánh ý Chúa Cha. Để biết được ý Chúa Cha, Chúa Giêsu đã một mình lên núi cầu nguyện suốt đêm. Trong cầu nguyện, Ngài kết hiệp với Cha Ngài. Ngài chọn những người Chúa Cha muốn để tiếp nối sứ mạng của Ngài. Khi phải quyết định lựa chọn lớn lao như thế, Chúa Giêsu đã tìm vâng theo Thánh ý Chúa Cha. Chúa Giêsu luôn cầu nguyện và sống Thánh ý Chúa Cha trong mọi sự.
Chúa Giê-su chọn các tông đồ, chỉ có mười hai ông thì ông Mát-thêu là người thu thuế, bị coi là “tay sai” cho đế quốc Rô-ma, còn ông Si-mon và Ta-đê-ô thì đối lại, thuộc nhóm Nhiệt thành, chủ trương dùng vũ lực để chống lại Rô-ma. Trong Nhóm Mười Hai, các ông khác nhau về lập trường, xung khắc với nhau như thế, vậy mà các ông ngày ngày phải ăn chung một mâm, học chung một thầy. Thế nhưng, ở với Thầy, các ông đã được hoán cải, và trở thành những người đi rao giảng Tin Vui của Nước Thiên Chúa.
Thánh Luca đã ghi lại một chi tiết rất ý nghĩa trong việc lựa chọn của Chúa Giêsu: Ngài đã cầu nguyện suốt đêm. Không ai biết rõ nội dung, nhưng sự liên kết với Thiên Chúa trong cầu nguyện và việc chọn lựa cho thấy tính cách nhưng không của ơn gọi: Thiên Chúa muốn gọi ai tùy Ngài và sự lựa chọn đúng không dựa vào tài đức của con người. Chúa Giêsu đã cầu nguyện, bởi vì Ngài biết rằng tự sức riêng, con người không thể làm được gì. Phêrô đã cảm nghiệm thế nào là sức riêng của con người khi ông chối Chúa ba lần; sự đào thoát của các môn đệ trong những giờ phút nguy ngập nhất của cuộc đời Chúa, và nhất là sự phản bội của Yuđa, là bằng chứng hùng hồn nhất của sức riêng con người. Bỏ mặc một mình, con người chỉ chìm sâu trong vũng lầy của yếu đuối và phản bội.
Từ những con người tính cách khác nhau, lập trường chính trị đối lập nhau, các tông đồ đã được Chúa huấn luyện trở thành những sứ giả của đem Tin Vui cho thế giới. Tin Mừng của Chúa xoá đi mọi bức tường ngăn cách để hình thành một thế giới bao dung, tha thứ và thương xót. Bạn được kêu gọi làm môn đệ của Đức Kitô nghĩa là trở thành người đem niềm vui của Ngài đến cho những người mà bạn gặp gỡ.
Con người cậy vào sức riêng của mình và con người đã thất bại. Tổ tiên chúng ta đã cậy vào sức riêng và đã thất bại trước sự cám dỗ bất tuân. Trong số mười hai tông đồ Chúa chọn, đã có những người cậy vào sức riêng của mình và cũng đã thất bại. Cụ thể là Phêrô chối Chúa, Giuđa phản bội Chúa…
Ơn thánh được kín múc qua đời sống cầu nguyện rất cần cho con người. Vì tự sức mình con người chẳng làm gì được. Chính Đức Giêsu đã khắng định “không có Thầy các con không làm gì được”
Chính nhờ ơn thánh mà sau này các tông đồ trở nên nhiệt thành, sắc bén trong suốt hành trình làm chứng nhân cho Chúa Kitô giữa trần gian.
Từ mười hai người dân chài thất học, Chúa Giêsu đã xây dựng Giáo Hội của Ngài. Nền tảng của một Giáo Hội không phải là sức riêng của con người, mà là sức mạnh của Ðấng đã hứa: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Chính sự hiện diện sinh động và ơn thánh của Ngài mới có thể làm cho Giáo Hội ấy đứng vững đến độ sức mạnh của hỏa ngục không làm lay chuyển nổi.
Nhìn lại cuộc đời của Thánh Phaolô, ta thấy Ngài đã từng là kẻ thù số một của Giáo Hội cũng đã bất thần được Chúa Giêsu chọn làm Tông đồ cho dân ngoại. Ngài luôn luôn cảm nhận được sức mạnh của ơn Chúa: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi”, hoặc “Nếu phải vinh quang, thì tôi chỉ vinh quang về những yếu đuối của tôi mà thôi, vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh”.
Sống là chọn. Chọn để có hạnh phúc. Có nhiều người đã chọn và tìm thứ hạnh phúc giả tạo, chóng qua của thế gian. Thứ hạnh phúc này có thời có hạn, và khi nó qua đi thì để lại cho người ta sự trống rỗng. Vậy đâu là hạnh phúc đích thực ? Là Kitô hữu, chúng ta chỉ có thể đạt được đích điểm của cuộc đời, nhận được hạnh phúc thực khi thông hiệp vào sự sống của Thiên Chúa. Muốn thế, chúng ta phải tìm, chọn và sống Thánh ý Chúa.
Theo gương Chúa Giêsu, chúng ta tìm Thánh ý Chúa qua việc cầu nguyện. Thánh ý Chúa thì nhiệm mầu nên chỉ trong cầu nguyện riêng tư, trong sự kết hiệp thâm sâu với Thiên Chúa, ta mới hy vọng nhận ra được. Hội Thánh của Chúa Giêsu đã được thiết lập, tồn tại cho đến hôm nay và sẽ kéo dài mãi muôn đời. Đó là câu trả lời cho sự lựa chọn đúng của Chúa Giêsu khi Ngài chọn các tông đồ theo ý Chúa Cha. Chúng ta hãy cầu nguyện và sống Thánh ý Chúa Cha theo gương Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu đã gọi tên những kẻ Ngài muốn. Từ thuở đời đời, Thiên Chúa đã yêu thương và kêu gọi chúng ta, kéo chúng ta ra khỏi hư vô để làm người, làm con Chúa và được cùng chia sẻ hạnh phúc với Người. Mỗi người chúng ta là một chương trình hoạch định của Thiên Chúa để được hạnh phúc và Ngài ban ơn để chúng ta thực hiện chương trình đó. Đó là mục đích của đời người. Vì vậy, Kitô hữu chúng ta đừng lãng quên Thiên Chúa, đừng tách mình ra khỏi tình yêu và sức sống của Người để cuộc đời bớt mù tối, bớt khổ đau. Đồng thời đáp lại tiếng Chúa mời gọi, Kitô hữu chúng ta sẽ trở thành những chứng nhân tình yêu tiếp nối sứ vụ của Đức Kitô (cc. 17 – 19), xây dựng cuộc sống hạnh phúc cho con người.
Mỗi người chúng ta cũng được Thiên Chúa tuyến chọn vào dân thánh của Người trong thân phận yếu đuối. Những yếu đuối đó sẽ không còn trở ngại khi chúng ta sẵn sàng kết hiệp với Chúa và kín múc ơn thánh của Người trong đời sống cầu nguyện.
Huệ Minh