Suy Niệm Thứ Năm Tuần V Phục Sinh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan (14: 6-14)
6 Đức Giê-su đáp: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.7 Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người”.

8 Ông Phi-líp-phê nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện”.9 Đức Giê-su trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha?”10 Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình.11 Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm.12 Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha.13 Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con.14 Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó.

SUY NIỆM 1

“Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện”.

Giáo Hội mừng kính hai thánh Tông đồ Philipphê và Giacôbê. Hai vị thánh này xuất thân từ Bếtsaiđa, cùng quê với Phêrô và Anrê thuộc nhóm môn đệ của Gioan Tẩy Giả, và trở thành những môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu.

Nếu như Giacôbê tiền là anh của Gioan, là con của ông Dêbêđê, thì Giacôbê chúng ta mừng kính hôm nay là Giacôbê hậu, con của ông Anphê. Tiền và hậu chỉ sự phân biệt chứ không nói lên đặc tính gì quan trọng.

Còn thánh Philipphê là người đã giới thiệu ông Nathanaen cho Chúa Giêsu; đồng thời cũng là người giới thiệu nhóm người Hy Lạp khi họ xin được gặp Chúa Giêsu.

Hai vị thánh được Giáo Hội mừng kính hôm nay nếu chỉ dựa trên những gì Sách Thánh nói, thì không có gì nổi trội đặc biệt. Thế nhưng, họ đã được chọn làm Tông đồ của Chúa, chứng tỏ nơi tâm hồn các ông đã có sẵn lòng nhiệt thành và sự sốt sắng đáp trả khi được ơn kêu gọi. Với thánh Philipphê khi xin Chúa: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện”; và thánh Giacôbê, vị Tông đồ được sánh bước với Thầy và được thấy những việc Chúa làm. Như thế đủ thấy các ngài được chọn là để thấy, để nghe, để ra đi và để làm chứng cho chính Chúa.

Mỗi người chúng ta cũng được Chúa chọn qua bí tích Rửa Tội; và vì vậy, chúng ta cũng được diễm phúc: thấy những việc Chúa làm trong cuộc đời mình; nghe những lời Chúa nói qua Tin Mừng, qua Giáo Hội; được sai đi loan báo Tin Mừng và làm chứng bằng đời sống gương mẫu về công bình, bác ái, niềm tin, lòng trông cậy và tình mến Chúa.

Lạy thánh Philipphê và thánh Giacôbê, xin chuyển cầu cho chúng con được trở thành những tông đồ tuy vô danh nhưng hữu dụng trong việc xây dựng Nước Chúa ở trần gian. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan (14: 6-14)
SUY NIỆM 2
Vô tình, thấy trên mạng có dòng chữ : “Always listening, always understanding”. Học lớp 3, trường cháy, cô giáo chết làm sao có thể hiểu được dòng chữ này. Thế là đi hỏi những người hiểu biết, họ mới dịch là : “Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”. Và khi nghe dịch như vậy thì nhớ đây là slogan, đây là khẩu hiệu của một công ty bảo hiểm.

Thật sự mà nói, ở đâu thì có thể nói nhưng ở Việt Nam ta, cái chuyện hưởng bảo hiểm e rằng hơi bị khó vì quá nhiều thủ tục nhiêu khê. Có người nói vui : “Luôn luôn lắng nghe, lâu lâu mới hiểu”.

Quả thế, luôn luôn lắng nghe và lâu lâu mới hiểu hay hiểu sai hay không chịu hiểu hay luôn luôn thấu hiểu nó biểu lộ một trạng thái của một con người, một khẩu hiệu của sự thờ ơ, một trạng thái nửa vời. Nếu đúng và đầy đủ là “luôn luôn lắng nghe – luôn luôn thấu hiểu – luôn luôn thực hành”. Anh nghe người khác, anh hiểu người khác mà anh không đem ra thực hành thì quả là quá tệ ! Chuyện cần là thực hành.

Ông bà xưa có câu : “Cá không ăn muối cá ươn. Con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư”.

Câu nói ngàn đời không phai và không sai.

Cha mẹ nào mà không thương con cái. Chính vì thương nên mới dạy con và chỉ đường cho con đi. Nếu như con không nghe lời cha mẹ và cưỡng lại lời cha mẹ  thì chắc chắn không sớm thì muộn sẽ hư đi.

Chúa Giêsu, Ngài là Đường – là Sự Thật và là Sự Sống để rồi Ngài dẫn con người con đường về với Chúa Cha. Nhiều và quá nhiều lần Ngài nhắc đến chuyện Lời : “Ai yêu mến Thầy thì giữ lời Thầy” hay là “Ai giữ Lời Thầy thì như người khôn xây nhà trên đá”, hay là “Ai giữ lời tôi chính là mẹ, là anh em tôi”.

Vâng ! Những ai nghe và giữ Lời của Chúa thì quả thật là người yêu mến, người không và là mẹ cũng như là anh em của Chúa.

Nhìn vào dòng chảy của lịch sử cứu độ, ta bắt gặp những khuôn mặt đã yêu mến, đã nghe và đã giữ Lời của Thiên Chúa.

Abraham : Ông đã tin và đã thực hiện Lời của Thiên Chúa. Khi Chúa mời gọi ông sát tế chính đứa con yêu của mình, ông đã thi hành. Thế nhưng rồi, đó chỉ là dấu chỉ mà Thiên Chúa thử thách ông. Qua việc giữ Lời đó, ông được gọi là Cha của những người tin.

Môsê : Người rao truyền Lời của Chúa và đã thi hành theo những gì Chúa nói và rồi ông đã dẫn dân qua khỏi sa mạc để đến vùng đất Hứa.

Hẳn ta còn nhớ khuôn mặt của Samuel.

Đức Chúa quyết định chọn gọi Samuel để thay thế dòng dõi Êli, vốn đã ra hư hỏng. Samuel nghe tiếng Đức Chúa gọi vào thời “lời Đức Chúa thì hiếm và thị kiến cũng không hay xảy ra” (3,1). Hơn nữa, vì “Samuel chưa biết Đức Chúa và lời Đức Chúa chưa được mặc khải cho cậu” (3,7), nên cậu không dễ dàng nhận ra Đấng đang gọi mình là ai. Ba lần Đức Chúa gọi cậu, nhưng cậu lầm tưởng là tư tế Êli gọi mình. Sau lần gọi thứ ba này, cậu Samuel đã đến hỏi tư tế Êli và được ông chỉ cho cậu biết cách phải đáp lời ra sao trước tiếng gọi mầu nhiệm ấy (x. 3,9).

Đức Chúa tiếp tục gọi Samuel lần thứ tư một cách thân tình và dịu dàng như ba lần trước đó: “Samuel! Samuel!” (3,10). Lần này, Samuel đã thưa như lời tư tế Êli dạy: “Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe” (3,10). Tuy nhiên, sau sự kiện này, Đức Chúa hằng ở bên Samuel và Lời Người đóng vai trò hết sức quan trọng trong cuộc đời Samuel, trở thành kim chỉ nam để ông sống và hướng dẫn dân Chúa, như lời Kinh Thánh nói: “Đức Chúa ở với ông và Người không để cho một lời nào của Người ra vô hiệu” (3,19).

Hơn ai hết, Mẹ Maria là kẻ đầu tiên đã lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành khi Mẹ thưa: “Vâng, này tôi đây là nữ tỳ của Thiên Chúa, xin hãy thực hiện nơi tôi điều Ngài truyền”. Lời thưa “Xin vâng” của Mẹ Maria khai mở một thế giới mới của ơn cứu rỗi và của sự sống mới. Mẹ đã trở nên gương mẫu cho mọi người Kitô để lắng nghe và thực hành lời Chúa dạy, và mối phúc lắng nghe lời Chúa và sống thực hành cũng được mở ra cho tất cả mọi người thuộc mọi thời đại.

Chúa Giêsu không chê bỏ dây ruột thịt đã kết hợp Người với Mẹ Maria. Người biết phải cần đến bản tính nhân loại của Mẹ Người, nhờ đó, Người cứu độ loài người. Nhưng Người muốn cho chị này hiểu về hạnh phúc thật trước mặt Thiên Chúa, không hệ ở con ruột thịt dù nó có trong sáng cao thượng. Cũng thế, Chúa không đánh giá chúng ta theo phẩm chất trí thức dù có chói sáng, theo địa vị trong Giáo Hội, theo chức vụ lãnh nhận và theo vinh quang rạng rỡ của ta.

Đối với Người, chúng ta có giá trị nhờ chúng ta có biết lắng nghe lời Chúa, biết hăng say lãnh nhận sứ điệp của Người với lòng yêu mến chân thành, biết quảng đại thực thi lời Chúa hằng ngày, biết sốt sắng làm cho mọi người cảm nhận lời Chúa, biết trung thành tuân giữ lời Chúa dù gặp những lúc gian lao khó khăn cũng như những lúc được vui mừng thuận lợi. Chúng ta có giá trị nhờ ở thiện chí vững chắc và không ngừng bước theo con đường thánh giá của Chúa luôn luôn mở ra trước mắt của chúng ta ánh sáng phục sinh cho ta ở đời này cũng như ở trời cao. Chúng ta có giá trị nhờ thực thi bác ái với người thân cận, nhờ ở hiến thân phục vụ những đại nghĩa công chính, phục vụ người nghèo và người cùng khổ thuộc mọi giới.

Lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa – đây chính là cái giá phải trả để mua hạnh phúc thật, hạnh phúc Nước Trời. Nhưng làm thế nào để nghe được Lời Chúa, làm sao để kiên cường tuân giữ Lời Chúa giữa một môi trường luôn ầm ào với đủ thứ âm thanh khủng bố thính giác, với đủ thứ lo toan và mời mọc khiến lòng người không một phút lặng bình, với đủ thứ bậc thang giá trị khiến trí khôn không biết đâu mà chọn lựa ?

Vâng lời, các tông đồ đã bắt được rất nhiều cá

Tối hôm đó, các tông đồ hẹn nhau lên thuyền, ra biển đánh cá. Các ông là những ngư phủ chuyên nghiệp, nhưng đã thất vọng vì suốt đêm không bắt được con cá nào. Khi trời đã sáng, các ông đưa thuyền vào bờ và mọi sự đã sẵn sàng cho một ngày nghỉ: đưa thuyền vào bờ, lưới chài chuẩn bị di chuyển lên đất, mặt trời mọc lên làm cho nước biển nóng, đàn cá dã tìm cách trở về nơi trú, không còn rủ nhau bơi lội tung tăng để đi kiếm mồi nữa. Thì lúc nầy, “một người” đang đứng trên bãi biển “bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá (x. Ga 21,6). Khi kéo lưới vào bờ, lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách (x. Ga 21,11).

Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm (Cv 5,29)

Họ điệu các ông đến giữa Thượng Hội Đồng; vị thượng tế hỏi các ông rằng: “Chúng tôi đã nghiêm cấm các ông không được giảng dạy về danh ấy nữa, thế mà kìa các ông đã làm cho Giêrusalem ngập đầy giáo lý của các ông, lại còn muốn cho máu người ấy đổ trên đầu chúng tôi!” Bấy giờ ông Phêrô và các Tông Đồ khác đáp lại rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm.” (Cv 5, 27-29)

Ngày hôm nay, có quá nhiều tiếng gọi của các giáo phái, của người phàm để rồi nếu không khéo, con người sẽ ngã theo những lời ngon ngọt đó. Đứng trước cơn bão tố của thông tin, của truyền thông, ta phải xin Chúa cho ta tỉnh táo để phân định những nguồn tin mà chúng ta nghe để rồi đâu là lời thật. Và, chắc có lẽ, mãi muôn đời, chỉ có Lời Chúa mới là kim chỉ nam cho đời chúng ta. Xin cho mỗi người chúng ta khi đối diện với Lời Chúa thì luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu và luôn luôn thi hành.

Lời Chúa mãi mãi là đèn soi cho cuộc đời chúng ta để rồi xin Chúa cho chúng ta có một tấm lòng rộng mở và con tim nhạy bén để nghe và nhất là giữ Lời Chúa trong cuộc đời chúng ta. Có như thế, khi nghe và giữ lời Thầy thì Thầy và Cha Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.

Huệ Minh