Suy Niệm Thứ Tư Tuần V Phục Sinh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 15: 1-8)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy là cây nho thật và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn cành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sinh nhiều trái hơn. Các con đã được tỉa sạch nhờ Lời thầy nói với các con. Các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Cũng như cành nho, tự nó không thể sinh trái được, nếu không gắn liền với cây nho. Các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy. Thầy là cây nho, các con là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, thì kẻ ấy sẽ sinh trái. Vì không có Thầy, các con không thể làm được gì. ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như cành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại vào quăng vào lửa cho nó cháy đi Nếu các con ở trong Thầy và Lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì, cứ xin thì sẽ được. Đây là điều làm Cha Thầy được vinh hiển, là các con sinh nhiều trái, và như thế, các con trở nên môn đệ của Thầy”.

SUY NIỆM 1

Chúa Giêsu đã lấy hình ảnh sự hiệp thông giữa cây nho và cành nho, để dạy các Tông đồ về ý nghĩa sự hiệp nhất giữa Chúa Giêsu với các Tông đồ cũng như giữa các Tông đồ với nhau.

Giáo Hội cũng muốn dùng bài Tin Mừng hôm nay với ý nghĩa của sự hiệp thông giữa cành nho và cây nho, để nhắc nhở mọi người chúng ta phải nhận ra và xác tín hơn về sự cần thiết phải hiệp nhất với Chúa Kitô qua việc hợp nhất với Giáo Hội là Thân Mình mầu nhiệm của Người. Hiệp nhất bằng sự tin tưởng và bằng sự vâng phục.

Sự hiệp nhất với Chúa Kitô qua Giáo Hội là điều kiện cần thiết cho phần rỗi linh hồn, vì Chúa Giêsu đã nói: “Không có Ta các con chẳng làm được việc gì”.

Sự hiệp nhất tốt đẹp với Chúa Kitô sẽ đưa đến những kết quả tốt đẹp. Kết quả tốt đẹp là sinh nhiều hoa trái, tức là thánh hóa bản thân và thánh hóa tha nhân. Vì chính hoa trái tốt đẹp được sinh ra do sự hiệp nhất là chúng ta làm vinh danh Thiên Chúa, cùng thúc đẩy chúng ta sống hoàn thiện mỗi ngày một hơn; sống gương sáng để thánh hóa tha nhân; và sống tông đồ truyền giáo để giúp cho tha nhân sống hoàn thiện hơn, giúp cho kẻ có tội ăn năn trở lại, giúp cho nhiều người tin nhận Chúa.

Lạy Chúa, xin hiệp nhất chúng con nên một trong Chúa; xin cho sự hiệp nhất của chúng con trở nên dấu chỉ sự hiện diện của Chúa cho mọi người. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

SUY NIỆM 2
Tin Mừng Ga 15: 1-8

Thánh Athanasiô sinh khoảng năm 295 có lẽ tại Alexandria. Gia đình Ngài rõ ràng là khá giả vì sau này Ngài có dịp trốn ở phần mộ của gia đình, Ngài đã theo môn cổ học và sau này thường trích dẫn các tác giả cổ. Có lẽ Ngài cùng theo học tại một trường Giáo lý ở Caêsarêa nên tư tưởng của Ngài thấm nhuần Thánh Kinh, cả những chú giải Thánh Kinh và cũng theo truyền thống các giáo phụ nữa.

Vào khoảng 25 tuổi Athanasiô đã có một thời sống với Thánh Antôn ẩn tu. Bốn mươi năm sau, Ngài đã mời Thánh An tôn ẩn tu về Alexandria để góp phần bảo vệ đức tin. Khi qua đời, thánh ẩn tu đã nhường lại cho Athanasiô cái áo choàng Ngài vẫn dùng đắp mình khi ngủ và tấm da chiên để dùng sưởi ấm lúc tuổi già. Những năm chung sống nơi sa mạc với vị thánh ẩn tu này đã tạo nên nét thánh thiện và nhân cách của Athanasiô.

Ngay khi còn là một thầy phó tế trẻ, ngài đã được Đức Giám mục Alexandria, Giám mục của ngài, chọn tháp tùng đi dự công đồng Nicêa, vào năm 325 CN. Các nghị phụ chú ý đến ngài bởi tầm học thức và tài khéo léo qua đó ngài bảo vệ đức tin. Năm tháng sau, Đức cha Alexander khi sắp qua đời, đã dặn dò lại Hội Thánh Alandria chọn ngài làm người kế vị ngôi vị Thượng phụ Giáo chủ Alxandria. Ở lại trong nhiệm vụ này 46 năm, vị Thượng phụ Giáo chủ mới đứng mũi chịu sào mọi cuộc tấn công của những người theo Ariô, và thường là trong cảnh cô thân và không được bảo vệ.

Thánh Athanasiô đứng vững không lay chuyển chống lại cả bốn hoàng đế Rôma, là những người phát vãng ngài năm lần, và ngài là mục tiêu cho những sỉ nhục, vu khống và xuyên tạc mà những người theo Ariô đã có thể nghĩ ra. Ngài sống liên tục trong nguy hiểm phải chết. Dù ngài cứng rắn, mạnh mẽ như kim cương trong việc bảo vể đức tin, nhưng lại hiền lành và khiêm nhường, dễ thương và lưu loát trong ăn nói, và không ai vượt qua được trong lòng nhiệt thành vì các linh hồn. Từ các nơi lưu đày, ngài đã viết những công trình lớn để dạy dỗ và củng cố đàn chiên; đấy là những tác phẩm phong phú trong tư tưởng và uyên bác, rõ ràng, sắc sảo và vững bền trong cách diễn tả.

Thánh Athanasiô đã viết những tác phẩm vĩ đại nhất trong 30 năm xáo trộn. Cuốn Uncarnatione Verbi hoàn thành năm 337, cuốn Virginitate và Orationes khoảng năm 357, cuốn Contra Arianô có thể sau năm 362. Ngài đã viết rất nhiều và mọi tư tưởng Ngài cũng như cuộc sống Ngài tập trung vào hai ý niệm: Chúa Con là sự bày tỏ của Chúa Cha, và Giáo hội là sự bày tỏ của Chúa Con. Giáo hội Tây phương kính nhớ Ngài như “Thánh Tiến sĩ Chúa Ba Ngôi”, nhưng trước hết, Ngài là Thánh Tiến sĩ về Mầu nhiệm Nhập thể và về Ơn thánh.

Trong cuộc sống đời thường, những gì thuộc phạm vi thiêng liêng tinh thần thì chúng ta không thấy được, và rất khó hiểu khi ta nghe nói tới. Nhưng nó không xa sự vận hành thực tế của vạn vật của con người trong vũ trụ. Thiên Chúa thường dùng những gì là hữu hình khả giác, để mạc khải cho con người những cái vô hình siêu nhiên thiêng liêng. Trong chiều hướng ấy, Chúa Giêsu cũng thường dạy dỗ dân chúng và các môn đệ Ngài, dựa vào đời sống thực tế trong nhân gian. Bài phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu chọn cây nho và cành nho để trò chuyện với các môn đệ của Ngài.

Chúa Giêsu long trọng khẳng định một cách tuyệt đối và siêu việt, có âm vang Messia: “Thầy là cây nho thật”, và Thiên Chúa Cha là người trồng nho. Như vậy Chúa Giêsu có phẩm tính thần linh, và sự  sống mà Ngài chuyển thông cho những cành nho của Ngài là sự sống thần linh. Chính Giáo Hội và tất cả những người Kitô hữu là cành nho, nhất thiết phải gắn liền với thân cây nho là Đức Giêsu Kitô, để đón nhận nhựa sống thần linh của Ngài. Nước rửa tội, rượu Thánh Thể sẽ là những chính lộ của sự chuyển thông ấy từ cây nho đích thực, là cây nho ban sự sống, để thân cây nho và cành nho hình thành nên chỉ một cây nho duy nhất.

Và ta thấy đây là một hình ảnh rất thân thương mật thiết của Chúa Kitô đối với Giáo Hội của Ngài. Đức Giêsu là cây nho thật, cây nho hoàn hảo, cây nho sinh hoa trái như Chúa Cha mong muốn nơi Đức Kitô, là qui tụ các kitô hữu làm nên một dân riêng mới của Thiên Chúa, dân mà Ngài đã chuyển thông sự sống cho. Người kitô hữu  sống kết hợp với Chúa Kitô  nhờ đức tin thì mới có sự sống thần linh, và mới có thể sinh hoa trái cho sự sống đời đời. Cây nào sinh hoa trái thì Thiên Chúa  cắt cành tỉa lá để chúng nảy sinh nhiều hoa trái hơn.

Ta thấy đây chính là công việc của Thiên Chúa đang thực hiện trong Hội Thánh và trong mỗi kitô hữu. Ngài cắt tỉa nhiệm nhặt như không chút xót thương qua những thử thách, bằng cách chịu bách hại, đau khổ và hi sinh vì Chúa, để tôi luyện đức tin, lòng cậy trông và tình mến Chúa, vì như lửa thử vàng thì gian nan lại thử đức. Chúa gởi thử thách để thanh luyện những kẻ yêu mến Ngài, để họ trở nên những con người đem lại nhiều kết quả cho Nước Trời. Luật cắt tỉa cứng rắn như vậy, người kitô hữu mới không trở thành những cành khô héo. Nhưng Chúa Giêsu cũng an ủi các môn đệ của Ngài: “Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em”.

Vì lời Chúa ở trong các ông đã trở nên một sức mạnh biến đổi nội tâm các ngài, sức mạnh của lời Chúa giải phóng các ông khỏi gian dối và tội lỗi. Chúa Giêsu còn mời gọi các môn đệ: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em” vì “không có Thầy anh em không làm gì được”.

Lời rất thật và rất gần này của Chúa muốn chỉ về cuộc sống siêu nhiên, không ai có thể nhờ phương thế riêng mình mà có thể đạt được hay tăng trưởng được. Chúa Giêsu còn nói lên tính hiệu lực của lời cầu nguyện khi chúng ta biết kết hiệp mật thiết với Đức Kitô: “nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý”. Phần cuối của bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu diễn tả mối bận tâm của Ngài là làm vinh danh Chúa Cha, thực hiện thánh ý Chúa Cha. Điều đem lại vinh quang của người trồng nho chính là chất lượng của trái nho, cũng như sự sai trái của chùm nho. Như vậy, các môn đệ góp phần vào vinh quang của Chúa Cha bằng đời sống thánh thiện của các ngài, và bằng những kết quả sáng chói của sứ vụ các ngài thực hiện, lúc đó các ngài mới là môn đệ thực sự của Đức Giêsu Kitô.

Với ảnh rất cụ thể về sự sinh trưởng của cây nho, sự tương quan gắn bó chặt chẽ giữa cây nho và cành nho, chúng ta suy niệm để khám phá ra mối tương quan cần thiết giữa chúng ta với Chúa Kitô trong cuộc sống hằng ngày, để chúng ta biết tin vào Chúa Kitô và biết kết hợp chặt chẽ với Chúa Kitô, làm mọi việc với Chúa, vì Chúa để có kết quả thiêng liêng đời đời trong ngày cánh chung. Chúng ta siêng năng chịu các phép bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể để chúng ta gắn bó với Chúa Giêsu hơn, mới có thể sống đời sống thiêng liêng dồi dào và sản sinh hoa trái.

Và rồi muốn cho đời sống chúng ta có kết quả phong phú, chúng ta còn cần sống lời Chúa và để lời Chúa thanh luyện chúng ta, tẩy sạch chúng ta khỏi các tính mê tật xấu. Mỗi lần lời Chúa tiêu diệt một tính xấu, là một lần chúng ta sinh thêm hoa trái thiêng liêng. Càng tin vào Thiên Chúa càng sống bác ái với tha nhân và càng trở nên hoàn thiện cho bản thân, càng làm cho Thiên Chúa được vinh quang. Chúng ta luôn kết hợp với Chúa Kitô và để cho lời Chúa cắt tỉa chúng ta, dù phải hi sinh chịu đau khổ cách nào, thì đời sống đạo chúng ta mới thăng tiến được.

Huệ Minh