Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô (Mc 3: 20-21)
20 Khi ấy, Chúa Giêsu trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được.21 Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.
Suy niệm: Tin mừng Mc 3: 20-21
Chúa Giêsu đã sinh ra và lớn lên trong một gia đình. 33 năm sống kiếp làm người, Ngài đã sống 30 năm với gia đình. Hơn nữa, cũng như bất cứ một người Á Ðông nào, Chúa Giêsu rất xem trọng những mối giây liên hệ thân thuộc: trong ba năm rao giảng công khai, Ngài vẫn tìm dịp trở về thăm làng cũ, và giữa lúc Ngài bận bịu với sứ vụ công khai, bà con thân thuộc của Ngài vẫn tìm đến thăm Ngài.
Quả thế, Chúa Giêsu xem trọng những liên hệ máu mủ và tình bà con xóm giềng, Ngài quí trọng gia đình; Ngài đề cao sự thánh thiêng và bất khả phân ly của giây hôn phối. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không lập gia đình; trong ba năm thi hành sứ vụ công khai, Ngài sống xa gia đình, không nhà, không cửa.
Hôm nay người nhà của Chúa đi bắt Chúa về “vì họ nói rằng Người đã mất trí” (Mc 3, 21). Họ nghĩ rằng Chúa mất trí cũng đúng thôi, vì một thanh niên khỏe mạnh, bỗng nhiên bỏ cha mẹ, nhà cửa, đi lang thang, rày đây mai đó. Nếu không phải là kẻ mất trí thì cũng là một người tâm thần. Họ nghĩ rằng Ngài không bình thường vì Ngài dám đụng tới các lãnh tụ tôn giáo thời đó, những người có quyền thế trong dân. Họ buồn cười vì Chúa Giêsu chơi trò lãnh tụ. Ngài chọn gọi một nhóm hỗn tạp, toàn là những tay ngu dốt, có được một người học thức là Matthêu, nhưng khi theo Thầy Giêsu, ông cũng phải bỏ cả nghề thu thuế của mình… Nhìn vào nhóm này người ta cũng biết chủ nhân nó là ai…
“Người thân của Người” là ai? Hiển nhiên là anh chị em họ hàng hay làng xóm của Người (Mc 3, 31). Nhưng, chúng ta có thể hiểu theo nghĩa rộng, là loài người chúng ta và từng người chúng ta, như thánh sử Gioan nói: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1, 11). Loài người và chúng ta hôm nay nữa ở mức độ nào đó, cũng không hiểu biết, yêu mến và đón nhận Người.
Vì thế, những gì xẩy ra ở đây, tại quê hương và trong “nhà của Người” đã loan báo tầm mức phổ quát của mầu nhiệm Thập Giá rồi: Thập Giá dưới mắt loài người là “điên rồ và sỉ nhục”, nhưng với những ai được tuyển chọn, đó lại là “sức mạnh và khôn ngoan của Thiên Chúa (1Cr 1, 22-14), bởi vì đó là lúc Người bày tỏ “chân dung rạng ngời” của Thiên Chúa Cha, qua việc phục vụ cho sự sống của loài người chúng ta đến cùng và triệt để nhất; đó là mang lại cho chúng ta sự sống của Thiên Chúa, không chỉ ở đời sau, nhưng ngay hôm nay, khi giải thoát sự sống của chúng ta khỏi Sự Dữ và những gì liên quan đến Sự Dữ. Bởi lẽ, chỉ có Lời Chúa, và tuyệt đỉnh là “Lời Thập Giá” (1Cr 1, 18) mới có thể chữa lành, giải thoát chúng ta khỏi Sự Dữ và những gì thuộc về Sự Dữ.
Không phải tất cả những ai tìm đến với Người đều có lòng tin; một số vì muốn nhìn xem Đấng đã làm được các dấu kỳ phép lạ; số khác bị lôi cuốn bởi những lời tuyền tụng “ông ấy” giảng dạy như Đấng có uy quyền; chỉ một số ít thành tâm tìm đến với Người vì Người đáp ứng được những thao thức thầm kín tự trong tâm hồn của họ, đó là nỗi khát mong, chờ đợi Đấng Thiên Chúa sai đến để giải thoát cho họ khỏi bóng đêm tội lỗi và dẫn họ vào ánh sáng của Ngài, như lời Kinh thánh đã chép.
Lần này, Đức Giêsu trở về nhà và đám đông lại kéo đến; Người và các môn đệ lại tất bật đón tiếp và giảng dạy cho họ. Đối với Đức Giêsu, việc rao giảng Tin Mừng cứu độ và chữa lành bệnh tật cho dân chúng là niềm vui, là việc cần thiết phải làm ngay; bởi đó là sứ vụ của Người. Đức Giêsu vui mừng vì thấy có những người thành tâm tìm kiếm, lắng nghe và lòng tin của họ được củng cố. Ngược lại, thân nhân của Đức Giêsu khi thấy cảnh náo nhiệt: dân chúng khắp nơi tập trung đến để nghe giáo huấn của Người thì họ khó chịu; họ cho rằng người bị mất trí nên muốn bắt Người.
Việc dân chúng kéo đến với Chúa Giêsu quá đông đã làm cho nhiều người phải ngạc nhiên và thắc mắc. Ông Giêsu ở làng Nazareth này là ai mà nhiều người lại kéo đến với ông ta ? Chúa Giêsu chính là Ngôi Lời nhập thể, đã trở nên người phàm sống cùng và chung chia cảnh đời với nhân loại. Đám đông tuôn đến với Chúa Giêsu để được nghe Ngài nói hầu tìm được niềm hy vọng và nguồn chân lý sống cho cuộc đời. Nơi Đức Giêsu, ta nhìn thấy một mẫu gương mục tử nhân lành và giàu lòng xót thương. Người đã dành thời gian để tiếp đón những ai đến với Người, để nghe họ nói và nói cho họ nghe. Nhờ đó, Người có thể hiểu, chia sẻ và cảm thông với những nỗi thống khổ mà họ đang phải gánh chịu từng ngày.
Hình ảnh đám đông đến với Chúa Giêsu năm xưa đang được hiện tại hóa nơi cộng đoàn dân Chúa hôm nay, mỗi khi chúng ta cùng nhau qui tụ trong thánh lễ để lắng nghe Lời Chúa và tham dự bàn tiệc Thánh Thể. Nơi đây, Chúa vẫn luôn hiện diện và chờ đợi ta đến gặp Ngài. Chính nơi đây, tâm hồn ta mới kín múc được nguồn sức sống, bình an và hạnh phúc.
Chúa Giêsu cũng bị những người thân cản trở trong công việc. Họ không nhận ra giá trị việc làm của Chúa. Họ nghe dư luận để rồi hùa theo dư luận kết án Chúa. Chính vì thế, Chúa đã không đề cao nhóm người thân mà Ngài lại đề cao một gia đình thiêng liêng gồm những người lắng nghe lời Ngài. Đây mới chính là gia đình của Ngài. Đây mới chính là kẻ nghĩa thiết với Ngài. Xin cho chúng ta cũng trở thành thành viên của gia đình Chúa qua việc lắng nghe và thực thi Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày.
Huệ Minh