Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 14: 25-33)
25 Có rất đông người cùng đi đường với Đức Giê-su. Người quay lại bảo họ:26 “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.27 Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.28 “Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không?29 Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo:30 “Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc.31 Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng?32 Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà.33 Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.
Suy Niệm: Tin mừng Lc 14: 25-33
Theo sự tính toán của người đời, thì mỗi khi chúng ta theo đuổi một con người, một công việc hay một chế độ nào, thì chúng ta phải thu lại được những lợi lộc vật chất hay những địa vị danh giá. Đó là điều hết sức bình thường và hợp lý. Chính mười hai môn đệ thân tín nhất của Chúa Giêsu cũng đã có một tâm trạng như vậy.
Thế nhưng rồi trong thực tế ta lại thấy muốn làm ăn lên, phải đầu tư bỏ vốn; muốn thu vào, phải phát ra. Ai không phát ra, không từ bỏ, thì không thể thu vào được gì đáng giá. Đó là quy luật của cuộc đời.
Chúa Giêsu tỏ cho chúng ta thấy từ bỏ không là mất đi nhưng là được lại và là được lại gấp nhiều lần.
“Đức Giêsu Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận nô lệ”, chấp nhận mang lấy thân phận con người mỏng giòn yếu đuối, trở thành Người tôi tớ của Thiên Chúa Cha. Ngài đã từ bỏ tự do và ý riêng của mình để vâng phục Cha như người tôi tớ thấp hèn, “cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây thập tự”… Thế nên Ngài được Chúa Cha hết lòng yêu mến, được Cha tôn vinh và đặt làm Chúa Tể mọi loài. (Pl 2, 6- 11).
Con đường bỏ mình, từ bỏ mọi sự, con đường thập giá mà Chúa Giêsu đã đi thì Ngài cũng mời gọi các môn đệ cùng đi: “Ai theo Tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ Tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo Tôi, thì không thể làm môn đệ Tôi được.”
Nghe nói đến ‘thập giá’ phải mang vác, người ta có thể cho đó là một đòi hỏi quá sức con người. Muốn có một sự hiểu biết đúng đắn, thì trong đầu chúng ta thập giá phải đi liền với một tình yêu. Phải nhìn thập giá Đức Kitô như một sự tốt lành thượng đẳng, nếu không chẳng thể chấp nhận nổi thập giá. Tôi chọn lấy thập giá của Chúa thay vì tình yêu theo nhân tính tự nhiên nhất, chính đáng nhất, là bởi vì thập giá phát xuất từ một tình yêu thượng đẳng, nó thấm đượm sâu đậm cái điểm nhân tính nhất trong tôi, đó là sự tự do lựa chọn, là tâm hồn dâng hiến. Thập giá Đức Kitô là bằng chứng và cũng là bề nổi tình yêu của Chúa. Thập giá Chúa, tức là hy sinh của Chúa.
Đời người cũng là một tiến trình từ bỏ liên tục: người lao động phải đổ nhiều mồ hôi, phải bỏ ra nhiều công sức, trí tuệ mới kiếm đủ tiền cấp dưỡng cho gia đình và bản thân. Người lính chiến phải chấp nhận hy sinh thân mình mới bảo vệ được quê hương. Học sinh phải từ bỏ nhiều giờ vui chơi giải trí, giảm bớt giờ ngủ nghỉ để miệt mài đèn sách thì may ra mới chen chân vào đại học. Các nhà khoa học phải bỏ ra nhiều năm nghiên cứu kiên trì mới có cơ may phát minh và sáng tạo…
Liền sau những lời quả quyết về điều kiện căn bản cần có để theo Ngài: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo Tôi thì không thể làm môn đệ Tôi”, Chúa Giêsu kể thêm hai dụ ngôn mới để nhấn mạnh thêm với các môn đệ rằng đi theo Chúa không thể nào là một hành động nhẹ dạ, nhất thời, tùy hứng nhưng là một hành động, một quyết định nghiêm chỉnh với tinh thần trách nhiệm sau khi đã suy nghĩ kỹ lưỡng, giống như thể người muốn xây một ngọn tháp hay như nhà vua ra trận.
Và ta thấy trên con đường từ bỏ này, chúng ta không lẻ loi một mình mà chúng ta đi theo Chúa. Có Chúa làm gương đi trước chúng ta. Và không phải chỉ làm gương đi trước chúng ta mà Ngài còn đến với chúng ta, sống với chúng ta, kết hợp với chúng ta, ban cho chúng ta sức mạnh của Ngài để có thể thực hiện việc hy sinh từ bỏ. “Không Thầy chúng con không thể làm chi được”, hãy sống trong tình yêu Thầy như cành nho kết hiệp với cây nho để trổ sinh hoa trái.
Người Kitô là người sống từ bỏ như Đức Giêsu, là đi vào con đường hẹp như Đức Giêsu: Người đã từ bỏ trời cao để xuống đất thấp. Người đã từ bỏ địa vị làm Thiên Chúa để xuống thế làm người. Sự từ bỏ được thấy rõ qua việc Chúa tự nguyện sống nghèo khổ, tự nguyện nhận lấy tội lỗi của loài người, và tự nguyện chết thay cho con người. Cao trọng nhất là Người đã từ bỏ ý riêng để hoàn toàn vâng theo ý Thiên Chúa Cha.
Trung tâm điểm của đời sống người Kitô là Chúa Giêsu. Mọi giá trị trở nên tương đối trước Đấng Tuyệt Đối là Chúa Giêsu. Tiền bạc, của cải là một giá trị. Cha mẹ, vợ con, gia đình là những giá trị khác. Mạng sống là một giá trị trổi vượt hơn cả. Nhưng tất cả những giá trị đó phải được hy sinh khi cần, để ta chọn Chúa Giêsu là “Giá Trị Tuyệt Đối” của mọi giá trị. Các thánh tử đạo đã chọn lựa như thế.
Việc từ bỏ thập giá, đau khổ và cả cái chết nữa không phải là những giá trị riêng rẽ từ nơi chúng, mà là những phương thế để đạt đến mục đích để giúp ta trở nên giống Chúa mỗi ngày một hơn. Chúa Giêsu có quyền đòi hỏi nơi mỗi người chúng ta và muốn mỗi người chúng ta đặt Ngài vào chỗ ưu tiên, đòi hỏi chúng ta yêu mến Ngài trên hết mọi sự và với hết sức lực của mình, trên cả tình thân gia đình. Và chỉ khi nào chúng ta dám từ bỏ mọi cản trở để yêu mến Ngài trên hết mọi sự, để được đồng hoá với Ngài cách trọn vẹn, thì khi đó chúng ta mới biết đặt những sự vật và con người vào vị trí đúng, biết tôn trọng và yêu thương những sự vật và con người một cách đúng thật trong tình yêu thánh thiện của Chúa.
Và rồi ta ngày hôm nay cũng như các đồ đệ của Chúa ngày xưa, một khi đã bước theo Chúa mới có thể hiểu được giá trị của thập giá trong đời sống của mỗi người chúng ta. Giá trị của thập giá đó hệ tại nơi mối liên hệ với mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa, và chúng ta cần vác thập giá trong sự kết hợp với Chúa Giêsu với mầu nhiệm Vượt Qua của Người. Hay nói theo ngôn ngữ của thánh Phaolô, chúng ta cần đưa thập giá của chúng ta vào mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa: “Tôi bổ túc nơi thân xác tôi những gì còn thiếu nơi mầu nhiệm thập giá của Chúa, Đấng đã yêu thương tôi và chịu chết vì tôi. Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi”.
Thiên Chúa không cưỡng bách chúng ta trở nên đạo đức như Thánh Phaolô đã không cưỡng bách Philêmôn phải tha thứ cho nô lệ của ông. Ngay khi điều xấu xảy ra với chúng ta, Thiên Chúa cũng không cưỡng bách chúng ta phải chấp nhận nó như một thánh giá. Chúng ta phải nỗ lực làm việc để thấy được chúng ta có thể quay trở một điều đáng sợ trở thành một điều có giá trị, bằng việc kết hợp những đau khổ của chúng ta với những đau khổ của Đức Kitô.
Theo Chúa không phải là vấn đề của lợi lộc trước mắt mà là vấn đề của tình yêu. Yêu là trung thành. Yêu là cho đi, cho đi từ từ, cho đi mại, cho đi cả mạng sống. Đó mời là tình yêu lớn nhất, xứng đáng với tình yêu của Thiên Chúa. Đó cũng là biện chứng của Tin Mừng: cho đi là nhận lãnh, quên mình là tìm lại mình, chết là sống, tử nạn là phục sinh muôn đời.
Huệ Minh