Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Gio-an (Ga 3: 14-21)
4 Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy,15 để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.16 Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.18 Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.19 Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa.20 Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách.21 Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa”.
SUY NIỆM
Vào thứ Tư Lễ Tro ngày 14/02/2018, một kẻ thủ ác đã nã súng vào Trường trung học Marjory Stoneman Douglas ở tiểu bang Florida, Hoa Kỳ, giết chết 17 em học sinh. Đúng là một thảm hoạ mà con người ngày càng phải đối diện, bởi đây không phải là thảm kịch duy nhật, nhưng là nó được tái diễn liên tục. Cuộc sống con người càng ngày càng bất an và chất chứa đầy nỗi lo âu. Bởi đâu các thảm kịch giết hại lại xảy ra thường xuyên trong một thời đại có thể nói, là thời đại của khoa học kỹ thuật với sự tiến bộ vượt bậc, một thời đại đang nỗ lực làm tất cả cho con người và vì con người?
Câu trả lời có thể tìm thấy trong Sứ điệp Mùa Chay 2018 của Đức Thánh cha Phanxicô, đó chính là tâm hồn con người càng ngày càng trở nên băng giá, mối tương giao huynh đệ giữa con người đang bị giết chết bởi lòng tham lam của cải. Đức Thánh cha viết: “Không có điều gì phá hủy lòng bác ái ghê ghớm cho bằng lòng ham mê tiền bạc, ‘gốc rễ của mọi tội lỗi’ (1Tm 6,10). Việc chối bỏ Thiên Chúa và bình an của Ngài sớm theo sau; chúng ta ưa thích nỗi sầu khổ của ta hơn là tìm kiếm sự thoải mái trong lời Chúa và các bí tích. Tất cả những thứ ấy khiến chúng ta chống lại bất cứ ai đe dọa đến ‘những điều chắc chắn’ của chúng ta: bào thai, người cao tuổi và ốm yếu, người di cư, người xa lạ giữa chúng ta, hoặc người hàng xóm không sống như mong đợi của chúng ta”.
Vâng, chính việc tham lam tiền bạc đã tạo ra bóng tối của ích kỷ, nơi tâm hồn của con người không còn vang lên những nhịp rung động đau xót trước nỗi đau và sự bất hạnh của người khác. Bóng tối này đã tạo ra những tảng băng huỷ hoại sự sống, khiến chúng ta luôn nơm nớp lo sợ.
Chúng ta phải làm gì trước thảm hoạ này? Hãy tìm đến với ánh sáng mà Thiên Chúa đã gởi đến cho chúng ta, chính Đức Giêsu Kitô, Người là ánh sáng được đốt cháy bởi tình yêu. Vâng Người xuất hiện không để kết án, nhưng để soi sáng cho con người nhận ra chân lý của cuộc sống. Người soi sáng cho nhân loại nhận ra rằng, những gì con người đang sở hữu không bao giờ là của riêng một ai, bởi đó cần quan tâm đến sự thiếu thốn của người khác, nỗi đau của tha nhân để sẻ chia, để giúp đỡ là cách thế giúp chúng ta tìm thấy ý nghĩa đích thực của cuộc sống.
Quả thật, những cuộc giết hại con người gây ra cho nhau đều bắt nguồn từ sự ích kỷ, từ một tình yêu vị kỷ chỉ nghĩ đến mình, chỉ mong làm thoả mãn cho sự tham lam điên rồ của mình, hay nói cách khác tất cả nỗi khổ đau mà con người dành cho nhau đều xuất phát từ một trái tim chai cứng không còn nhịp đập yêu thương. Bởi đó, để có thể sống an vui, không có phương thế nào khác ngoài việc sống theo lời chỉ dạy của Chúa Giêsu: “Các con hãy yêu thương như Thầy yêu thương”. Đó là ánh sáng mang lại niềm vui và hy vọng cho cuộc đời chúng ta.
Lạy Chúa, thế gian ngày càng chìm vào bóng tối của sự hận thù, yêu thương ngày càng vắng bóng trong các mối tương giao bởi con người ngày càng tham lam của cải vật chất và chỉ biết tôn thờ tiền bạc. Xin Chúa hãy dạy chúng con, những Kitô hữu, đừng tiếp tay với ma quỉ để gieo bóng tối của chết chóc, nhưng trái lại luôn thắp sáng ngọn lửa yêu thương bằng những hành vi bác ái mà Chúa đã dạy, để biết cho đi hơn là lãnh nhận, biết phục vụ hơn là thu tích. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
Truyện Con Rắn Đồng
Con rắn đồng là biểu trưng cho Đức Giêsu bị treo trên Thánh Giá. Sách Dân số 21,4-9 kể rằng: Dân Do Thái đi từ núi Horeb về phía Biển Đỏ đi vòng quanh xứ Eđôm. Quãng đường dài này đã làm cho dân chúng kêu trách Đức Chúa và ông Môsê:”Tại sao đem chúng tôi ra khỏi Ai Cập để rồi chúng tôi phải chết trong hoang địa? Không có bánh, không có nước, chúng tôi đã chán món ăn khốn nạn này lắm rồi”. Bấy giờ Đức Chúa cho những con rắn lửa từ trong rừng bò ra cắn dân chúng, nhiều người phải chết.
Dân chúng chạy đến ông Môsê, thưa với ông: “Chúng tôi đã phạm tội, vì chúng tôi đã nói phạm đến Đức Giavê và đến ông, xin ông cầu với Đức Giavê cho chúng tôi để Ngài đuổi lũ rắn này xa khỏi chúng tôi”. Ông Môsê cầu cho dân. Chúa bảo Môsê: “Hãy làm một con rắn và treo trên ngọn sào, hễ ai bị rắn cắn mà nhìn vào đó thì được sống”. Môsê làm một con rắn đồng và treo lên ngọn sào. Hễ ai bị rắn cắn nhìn vào rắn đó đều được khỏi.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan đã ghi lại: “Như Môsê đã treo con rắn lên ở sa mạc thế nào, thì Con Người cũng phải treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở Người, sẽ không bị hủy diệt, nhưng được sống đời đời.”
Gioan dùng câu chuyện này như một loại dụ ngôn để chỉ về Chúa Giêsu. Ông nói: “Con rắn bị treo lên, người ta nhìn nó hướng về Chúa, do quyền phép của Chúa, Đấng họ tin cậy thì họ được lành bệnh. Chúa Giêsu cũng phải bị treo lên như thế, để khi loài người hướng về Ngài thì sẽ được sự sống đời đời”.
Một điểm gợi ý rất lạ ở đây. Động từ treo lên là hupsoun. Từ này được dùng cho Chúa Giêsu theo hai nghĩa. Một là việc Chúa bị treo lên thập giá, và hai là việc Chúa được cất lên để vào vinh hiển lúc Ngài về trời. Nó được dùng chỉ thập giá trong Ga 8,28; 12,32, và được dùng chỉ Chúa Giêsu lên trời vinh quang trong Công Vụ 2,33; 5,31; P1 2,9.
Có hai lần Ngài được đưa lên, lần bị đưa lên thập giá và lần được đưa lên vào cõi vinh quang; cả hai liên hệ với nhau bất khả phân ly. Điều này không thể xảy ra mà không có điều kia. Với Chúa Giêsu, thập giá là con đường tiến đến vinh quang. Nếu Ngài khước từ thập giá, tránh né, tìm cách để thoát khỏi đó – là việc Ngài đã có thể làm thật dễ dàng nếu muốn – thì Ngài đã không thể bước vào cõi vinh quang.
Với chúng ta cũng vậy, chúng ta có thể chọn con đường dễ đi, có thể khước từ thập giá mà mỗi Kitô hữu phải vác, nếu thế, chúng ta sẽ mất phần vinh hiển. Đó là một trong những định luật bất di bất dịch của đời sống: không có thập giá thì không có triều thiên.
Anh chị em thân mến, đứng trước thập giá Đức Kitô, chúng ta phải có thái độ nào?
Tin vào tình yêu Thiên Chúa hay chối từ tình yêu của Ngài?
Chính thái độ của chúng ta sẽ định đoạt số phận của chúng ta. Vì thế, tin hay không tin là một chọn lựa sống chết. Mỗi người có đủ tự do tiếp nhận hay từ chối ánh sáng. Ai tin là đón nhận ánh sáng, là bước vào cõi sống. Ai không tin là từ chối ánh sáng và tự đầy đọa mình trong tăm tối, trong cõi chết. Thiên Chúa không cần kết án luận phạt nữa.
– Hãy nhìn lên thập giá để thấy được tình yêu bao la của Chúa. Phải, bên kia sự ác độc của tội lỗi, Chúa Giêsu chỉ muốn chúng ta nhìn thấy được tình yêu của Thiên Chúa: một tình yêu không ngừng tha thứ, một tình yêu vượt lên trên mọi tư tưởng, mọi tiêu chuẩn phán đoán, mọi khát vọng của con người.
– Hãy nhìn lên thập giá: đó là một sự ô nhục, nhưng chính sự ô nhục này lại mang lại vinh quang cho chúng ta.
– Hãy nhìn lên thập giá; đó là một sự chết chóc, tủi nhục và thương đau, nhưng chính sự chết chóc này lại mang sự sống cho chúng ta.
Đó là thập giá của Chúa kitô, còn thập giá giá của chúng ta như thế nào?
– Đó chính là khi chúng ta bị chống đối và hiểu lầm,
– Đó chính là khi chúng ta bị bỏ rơi và phản bội,
– Đó chính là khi chúng ta bị thất bại và oan ức,
– Đó chính là khi chúng ta bị nhục nhã và cô đơn.
Thập giá là tất cả những gì chúng ta ước mong mà không đạt được. Thập giá là tất cả những gì chúng ta không mong muốn mà nó cứ lù lù xông vào cuộc đời chúng ta. Tóm lại, thập giá là tất cả những gì xảy đến với chúng ta mà chúng ta không muốn chấp nhận. Chỉ khi nào chấp nhận chúng ta mới có thể đi vào vinh quang với Ngài.
Nhìn lên thập giá Chúa Kitô để cảm nghiệm được ơn tha thứ của Ngài. Nhìn lên thập giá Chúa Kitô để chúng ta cũng biết cảm thông và tha thứ cho anh em chúng ta. Càng nhận ra được tình yêu tha thứ của Chúa, chúng ta càng được mời gọi yêu thương tha thứ cho anh em nhiều hơn. Thiên Chúa không kết án luận phạt chúng ta, sao ta lại kết án luận phạt anh em mình? “Hãy tha thứ để được Chúa tha thứ. Đừng xét đoán để khỏi bị Chúa xét đoán” (Lc 6, 36-37). Hãy yêu thương như Chúa đã yêu thương ta. Amen
Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy