Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các ngươi đã nghe dạy: Ngươi hãy yêu thân nhân, và hãy ghét địch thù. Còn Ta, Ta bảo các ngươi: Hãy yêu thương thù địch và làm ơn cho những kẻ ghét các ngươi, hãy cầu nguyện cho những ai bắt bớ và nguyền rủa các ngươi: để như vậy các ngươi nên con cái Cha các ngươi, Đấng ngự trên trời: Người khiến mặt trời mọc lên cho người lành kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người liêm khiết và kẻ bất lương. Vì nếu các ngươi yêu thương những ai mến trọng các ngươi, thì các ngươi được công phúc gì? Các người thu thuế không làm thế ư? Nếu các ngươi chỉ chào hỏi anh em các ngươi thôi, thì các ngươi đâu có làm chi hơn? Những người ngoại giáo không làm thế ư? Vậy các ngươi hãy nên hoàn hảo như Cha các ngươi trên trời là Đấng hoàn hảo”.
SUY NIỆM
“Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện.” (c.48) Thiên Chúa là Tình yêu. Càng có khả năng yêu bao nhiêu chúng ta càng giống Chúa bấy nhiêu. Có ai cao cả bằng Thiên Chúa? Có ai uy quyền mạnh mẽ bằng Thiên Chúa? Có ai tốt lành thánh thiện bằng Thiên Chúa? Có ai diễm lệ bằng Thiên Chúa?…
Quả vậy, vì Thiên Chúa là đấng Chân-Thiện-Mỹ. Và ta thấy cả sự cao cả, sức mạnh, uy quyền, thánh thiện, vinh quang hoàn hảo của Người được thể hiện trong tình yêu của Người. Vì vậy mà giá trị một con người không được đo bằng tài cao đức trọng, nhưng là bằng mức độ tình yêu người ấy thể hiện trong cuộc sống. Do đó mà càng yêu thương bao nhiêu, người ta càng trở nên giống Chúa bấy nhiêu, và đó mới là điều đáng kể.
Ta thấy tác giả Tin Mừng dùng động từ agapaô để nói rằng: tình yêu dành cho kẻ thù ở đây là một tình yêu mến hy sinh cho người mình yêu (phân biệt với tình yêu được diễn tả bằng động từ phileô, là tình thương yêu có sự trao đổi, có sự đồng thuận hỗ tương dựa trên các phẩm chất, sự quan tâm, sự để ý đến nhau…).
Như vậy là có một thực tại mới mẻ hẳn được yêu cầu, theo đó, trong tương quan giữa người với người, bạo lực phải hoàn toàn bị loại trừ. Không còn chỗ cho sự oán thù. Thay vì sự căm ghét, phải là sự ước muốn những điều thực sự thiện hảo cho nhau.
Chúa Giêsu đến trần gian làm con người là để giúp con người lại được làm con Chúa. Thiên Chúa đã tạo dựng nên thế giới, con người tốt đẹp, hoàn hảo. Người đã tạo dựng nên con người giống hình ảnh của Người. ‘Con nhà tông thì không giống lông cũng giống cánh’; giống Thiên Chúa, con người có hồn thiêng bất tử, có trí tuệ, tự do, có khả năng sáng tạo, làm chủ và đặc biệt là khả năng yêu thương; nhưng bởi mưu ma, chước độc của tà thần đã làm con người đánh mất hình ảnh của Thiên Chúa nơi mình khiến họ trở nên xấu xa độc ác, ích kỷ và phải gánh lấy khổ đau vì chính sự xấu xa đó.
Tuy nhiên, nhờ Đức Giêsu Kitô và tình thương cứu độ của người, con người lại được phục hồi nhân phẩm và được làm con Thiên Chúa.
Con người không trở nên con cái Thiên Chúa nhờ vào những công trạng của riêng mình. Nhưng vì đã được là con cái Thiên Chúa, họ phải chứng tỏ tư cách cao quý ấy bằng cách hành xử như Thiên Chúa hành xử, tức là yêu thương không phân biệt hay kỳ thị, cũng không theo nguyên tắc “hòn đất ném đi hòn chì ném lại”, mà là yêu thương vô điều kiện, không mong chờ đáp trả. Điều quan trọng nhất là các đồ đệ phải nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện (c.48). Đó chính là tiêu chuẩn và cũng là lý do của đòi hỏi phải yêu thương kẻ thù và khao khát sự thiện hảo cho kẻ ngược đãi mình.
Chúa Giêsu đã đến để mạc khải sứ điệp trọn hảo hơn, bẻ gẫy những giới hạn tự nhiên: “Còn Thầy, Thầy bảo các con: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con”. Chúng ta chú ý đến hai chi tiết trong lời dạy của Chúa Giêsu: thứ nhất: không còn ai bị loại ra khỏi tình yêu thương của người môn đệ Chúa và sự phân chia con người ra làm hai loại: thân thuộc và thù địch không còn nữa. Thứ hai: Tình yêu thương đó được thể hiện bằng những hành động cụ thể, và quan trọng nhất, đó là thi ân và cầu nguyện cho những kẻ không tự nhiên được chúng ta yêu thương, và đây không còn là tình yêu thương theo tình cảm, mà là tình yêu thương thực sự hướng đến lợi ích của người khác.
Giáo huấn yêu thương của Chúa Giêsu có giá trị vượt trội và mời gọi con người hướng lòng lên cao vượt qua mọi xúc cảm bình thường để có thể yêu như Chúa yêu. Chúa cho con người được làm con Chúa nhưng không miễn cho con người phải nỗ lực, cố gắng cộng tác với ơn của Người để “nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (c. 48) – Ðấng “cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (c.15).
Phần lớn chúng ta cho rằng giáo huấn “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (c.44) của Chúa sao khó quá; đòi hỏi của Người dường như bất khả thi. Yêu thương những người thân thuộc, những người dễ thương, những kẻ làm ơn cho mình, những người yêu mình, tán tụng mình… xem ra còn có thể thực hiện được. Nhưng yêu thương những kẻ không dễ thương, những kẻ tự dưng mình không có thiện cảm, những kẻ không có thiện cảm với mình… thấy đã khó, huống hồ là kẻ thù mình, kẻ ngược đãi bách hại mình thì làm sao mà yêu cho nổi. Có lẽ chúng ta đã từng có lần nảy sinh tình cảm báo thù, cầu cho kẻ hại mình gặp phải rủi ro hoặc xin cho ‘trời tru đất diệt nó đi’.
“Hãy yêu mến anh em mình”, mệnh lệnh này được ghi rõ trong sách Lêvi 19,18. Những “anh em” được nhắc đến ở đây chỉ những kẻ thân thuộc, đồng hương, thuộc về dân riêng của Chúa. Còn câu: “Hãy ghét kẻ thù địch” thì chúng ta không gặp thấy công thức nào tương tự như vậy trong Kinh Thánh. Những lời này có thể hiểu như một diễn tả tự nhiên của tâm lý thường tình nơi con người, một hậu quả của tình yêu thương có giới hạn trong khung cảnh những kẻ thân thuộc, những người thuộc về cùng một dân tộc, một xã hội. Theo tâm thức hạn hẹp của Cựu Ước, bất cứ ai không thuộc về Dân Chúa chọn, thì người đó là kẻ xa lạn, là kẻ thù địch, không được yêu thương.
Và rất thường, chúng ta hay thích chửi rủa những kẻ mình cho là xấu xa, gian ác mà không bao giờ nhớ đến là mình cần phải cầu nguyện cho họ. Thật chúng ta đã sống và hành xử quá xa tinh thần Kitô giáo, tinh thần của Đức Giêsu thầy chúng ta; Đức Giêsu đã dạy chúng ta và chính Ngài đã là tấm gương cho chúng ta; Ngài đã cầu xin, bào chữa cho những kẻ sỉ nhục Ngài, hành khổ Ngài, lên án Ngài và giết Ngài bằng cái chết thập giá; Ngài đã sống đúng tư cách là con Thiên Chúa – Người con vẹn toàn mà Chúa Cha yêu thích và truyền cho chúng ta phải “vâng nghe lời Người” (x. Mt 17,5).
Nói khác đi, sống đúng tinh thần là con Thiên Chúa, chúng ta sẽ không có kẻ thù. Bởi vì Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta là một; đặc biệt trong Đức Giê-su Kitô, chúng ta là chi thể của nhau nên mọi người đều là con cha trên trời, được cha yêu thương và mời gọi thông dự hạnh phúc bất diệt với Người.
Huệ Minh