Tin Mừng Mt 5: 33-37
Sở dĩ người ta gian dối là để được một mối lợi, để tránh một cái hại. Thế nhưng “được lời lãi cả thế gian mà đánh mất chính mình” (Lc 9,25), thử hỏi đàng nào hại hơn, đàng nào lợi hơn? Chấp nhận chịu thiệt để sống theo sự thật, đó là chọn lựa của những người làm chứng nhân cho Đức Ki-tô. Thánh Phao-lô cho thấy cái lợi của sự lựa chọn này: “Một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời” (2Cr 4,17).
Chúa Giêsu nói:“Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả. Đừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa. Đừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người. Đừng chỉ Giêrusalem mà thề, vì đó là thành của Đức Vua cao cả. Đừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hoá trắng hay đen được. Nhưng hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5,33-37).
Chúa Giêsu muốn trong tinh thần mới hãy mặc lấy Thiên Chúa là Đấng Chân Thật để sống trung thực, đối nghịch với mưu mô lọc lừa của ma quỷ là cha đẻ của sự gian dối. Đừng lợi dùng “lời thề” để che dấu sự gian dối của mình và làm hại đến tha nhân.
Sở dĩ có chuyện thề thốt trong xã hội, là vì có sự thiếu chân thành giữa người với người. Sự thề thốt, tự nó, đã là một bằng chứng rõ ràng của sự trục trặc trong tương quan giữa người với người. Các kinh sư và các người Pharisêu phận biệt hai loại thề: thề nhân danh Đức Chúa và lấy sự vật mà thề. Họ cho rằng loại thứ nhất có tính ràng buộc, còn loại thứ hai thì không, tức là người ta có thể rút lại lời thế.
Thề là đưa Thiên Chúa ra để làm chứng cho điều mình nói là đúng. Nhưng nếu người thề không giữ điều mình thề hay thề gian thề dối, thì chính họ làm cho Danh Thánh Thiên Chúa bị xúc phạm và phủ nhận tiếng nói của lương tâm mình. Chúa Giê-su dạy chúng ta bài học về “nói sự thật” mà thánh Gia-cô-bê sau này còn nhắc lại: “Hễ ‘có’ thì phải nói có, ‘không’ thì phải nói ‘không’, như thế, anh em sẽ không bị xét xử” (Gc 5,12). Nếu tôi sống ngay chính trước mặt Thiên Chúa và trước lương tâm thì tôi không cần phải thề thốt gì cả. Lời nói của tôi là đúng, là thật, là chắc chắn thì đã đáng được mọi người tin cậy. Ngược lại, nếu thêm thắt điều gì, thì lời nói bấy giờ là lời bị thúc đẩy bởi ác quỷ.
Sự thật luôn là yếu tố cần thiết trong cuộc sống của con người. Sống giữa cuộc đời thật hư lẫn lộn, con người không còn biết đâu là chân lý và ai đáng để mình tin. Đức Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta hãy tin vào Ngài vì Ngài “chính là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”. Nơi Đức Giêsu, ta sẽ không bị phản bội, không bị thất tín, dù ta đã bao lần phản bội và thất tín với Người. Nơi Ngài ta không con thấy nghi nan, nhưng là cả nguồn chân lý đích thực để ta kín múc mà bước vào cuộc đời.
Chính sự giả dối đã làm cho người ta mất đi niềm tin nơi nhau, làm cho cuộc sống phập phồng lo sợ và gây bao thiệt hại cho người khác. Nhiều người đã vì lợi ích cá nhân mà bất chấp thủ đoạn gian lận,lừa dối nhau, gây ra bao hậu quảđau đớn cho tha nhân.Chính vì sợ lòng người nay thay mai đổi mà con người ngày nay luôn cần có những bản hợp đồng, giấy tờ chứng thực… Do đó, việc sống thành thật trong thế giới hôm nay dường như trở nên hiếm hoi, ngu ngơ và dại dột trước mắt người đời.
Khi con người đẩy Thiên Chúa là Chân Lý và Sự thật ra khỏi cuộc đời họ thì lương tâm nay thay mai đổi của con người sẽ làm chủ và gây bao thảm họa cho nhân loại. Xuyên suốt chiều dài lịch sử Giáo Hội, noi gương Đức Giêsu, đã có biết bao con người dám sống, làm chứng và chết cho sự thật. Họ là những người đã can đảm làm chứng cho niềm tin vào Đấng Chân Thật dầu phải trả giá bằng đau khổ, hiểu lầm, chống đối và thậm chí hy sinh chính mạng sống mình. Tuy nhiên, khi sống theo Sự Thật ta chẳng cần phải thề thốt, ta tìm thấy bình an, không chỉ cho bản thân mình mà còn cho những người sống chung quanh chúng ta.
Trong Nước Thiên Chúa, sự chân thật là quy luật sống và “phúc thay ai tinh sạch trong lòng”. Vì thế, sự thề thốt hoàn toàn không còn giá trị. Và Đức Giêsu dạy: “Đừng thề chi cả”.
Điều mà chúng ta phải để tâm suy ngẫm, xác định lại lối sống của mình theo Tin mừng hầu có thể là người ‘ đứng về phía Đức Ki-tô – về phía sự thật’.
Mahatma Gandhi thủ lĩnh Ấn Độ khi còn nhỏ phạm lỗi nói dối mẹ. Bà mẹ đã tuyệt thực và nói: thà để mẹ chết còn hơn thấy con hèn nhát nói dối vì không muốn nhận lỗi. Cậu Gandhi đã khóc lóc xin mẹ nhưng mẹ không chịu, nên cậu đã lấy than hồng bỏ lên tay thề với mẹ tuyệt đối sẽ không bao giờ nói dối nữa.
Khi ấy bà mẹ mới ôm con vào lòng và tha thứ cho cậu. Vết thẹo trong lòng bàn tay Gandhi là một dấu chứng, và cả thế giới đều có thể tin tưởng vào lời nói trung thực của ông. Mahatma Gandhi đã thề, và có lẽ là lời thề quyết liệt duy nhất trước người mẹ mà ông kính yêu. Ông đã không bao giờ phản bội lời thề đó. Trong Giáo hội cũng có những lời thề nguyện khấn hứa những điều tốt lành của Linh mục, tu sĩ, huynh đoàn, hội tận hiến…. Đó là những lời thề nguyện mang tính tích cực, hướng đến sự trọn lành thánh thiện. Giáo hội khuyến khích, nâng đỡ và mời gọi con cái mình thực hành những việc như thế. Tuy nhiên, có rất nhiều kẻ gian dối lại hay dùng lời thề để biện minh cho mình, để làm chứng là mình nói thật. Thực tế cho thấy, người thật thà là người thường rất ít khi dùng đến lời thề, vì lời nói của họ luôn đáng tin đối với mọi người.
Trong bối cảnh xã hội Việt Nam hôm nay, một cách nào đó nền giáo dục chạy theo thành tích đã đào tạo ra cả một thế hệ mang não trạng gian dối – từ giáo viên cho đến học sinh. Chuyện có thật kể rằng: Ở một trường tiểu học X nọ, trong tiết thi kiểm tra học kỳ môn toán của học sinh lớp 5, giáo viên coi thi đã giải đề thi toán trên bảng rồi bảo học sinh chép và sửa vào bài thi, cô giáo nói: “Chuyện này chỉ có cô cháu mình biết với nhau thôi nhé.” Còn các em học sinh hầu hết đa số đi thi đều không tự tin, dù các em đã có học bài. Các em luôn có các tài liệu, câu trả lời đề cương thi được photo rất nhỏ mang theo bên mình để ‘quay phim’. Và cũng hầu hết các em coi đó là chuyện bình thường tự nhiên ‘ai cũng làm’ – Ai mà không làm là dại! Tội gì mà phải hao hơi tốn sức học cho nhọc công(?) Một nền giáo dục đậm màu gian dối mà các em học sinh hấp thụ ngay từ tấm bé, thì thử hỏi thế hệ tương lai của xã hội, đất nước, Giáo hội Việt Nam sẽ như thế nào? Đúng là một thực tại đau lòng! Trong một bối cảnh như thế thì sự thật, chân lý chỉ còn là những thuật ngữ xa vời. Ở khắp nơi đâu người ta cũng thấy đồ ‘Zỏm’ (người dỏm, văn bằng dỏm, hàng hóa dỏm…), không tinh ý, ham rẻ, ham vẻ bề ngoài sẽ dễ dàng bị mắc lừa.
Thánh Tôma Aquinô nói: Người ta không thể sống với người khác nếu không có sự tin cậy với nhau đến nỗi họ trở nên thành thật với nhau… (Trong sự công bình) như vấn đề kính trọng, người này mắc nợ điều đó với người kia để bày tỏ sự thật. Bạn có thành thật – đối với Thiên Chúa, với bản thân, và với người khác không? Và bạn có để cho lời chân lý của Thiên Chúa thấm nhập vào tâm trí mình và uốn đúc lương tâm của mình – cách bạn suy nghĩ, phán đoán, hành xử, và nói năng không?
Khi bảo “đừng thề chi cả”, Chúa Giêsu muốn rằng các môn đệ của Ngài phải sống thành thật, đến nỗi không cần một lời thề để bảo đảm cho lời nói của mình. Vì lời nói phải luôn đi đôi với sự thật. Để tạo tín nhiệm nơi người khác, chúng ta “có thì nói có, không thì nói không” nghĩa là nói đúng sự thật khách quan, bụng nghĩ sao miệng nói vậy… không cần phải dựa vào thế giá của Thiên Chúa để bảo đảm cho sự thật. Như vậy, khi bảo chúng ta không được thề, Chúa Giêsu muốn trả lại cho con người giá trị đích thực của lời nói là thành thật, đáng được tôn trọng.
Trong xã hội nhiều khi sự dối trá lấn lướt sự thật. Những lời thề thốt có khi làm người ta lầm lạc, đặt niềm tin nơi những sự dối trá. Nguy hiểm hơn, có những lời nói “có cánh” làm người ta chấp nhận “sự dối trá ngọt ngào”. Nhưng tự nhiên ai cũng thích sự chân thật. Hơn nữa, chúng ta có Đức Giêsu là chính Sự Thật, Người dạy về sự thật. Và sự thật sẽ giải phóng chúng ta (x. Ga 8,32). Cuối cùng, sự thật sẽ được phơi bày và người nói sự thật sẽ được chân lý bênh vực.
Huệ Minh